Kiến thức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Phong cảnh và Tự nhiên

Nhiếp ảnh đời thường

Tin tức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Đen trắng

CHỤP MACRO, MICRO, CLOSE-UP LÀ GÌ | LENS CHỤP MACRO

Chúng ta đã ít nhất một lần được xem những hình ảnh phóng đại đến choáng ngợp về chân dung của một số loài côn trùng? Hay hình ảnh những chú kiến được phóng đại lên nhiều lần đầy sinh động? Đó chính là nhiếp ảnh chụp cận cảnh. Có 3 hình thức chụp cận cảnh, phân chia theo tỷ lệ phóng đại.
chụp ảnh macro là gì

Tỷ lệ phóng đại là gì

Đó chính là tỷ lệ kích thước giữa hình ảnh cho trên cảm biến chia cho kích thước ngoài đời thực. Ví dụ, một con ruồi có độ dài cơ thể là 1cm, cho hình ảnh trên cảm biến cũng là 1cm, ta nói tỷ lệ phóng đại là 1:1. Nếu kích thước ảnh trên cảm biến là 2cm, ta nói tỷ lệ phóng đại là 2:1.

Chụp macro là gì 

Macro là thể loại nhiếp ảnh mà chủ thể ở ngoài đời nhỏ hơn nhiều hoặc bằng kích thước chủ thể trên ảnh. Nói một cách khác, chủ thể trên ảnh được phóng đại từ tỷ lệ 1:1 tới 25:1 so với chủ thể thật. Ảnh macro áp dụng trong các trường hợp chụp:
- Thiên nhiên: hoa, lá, côn trùng, sâu bọ,...
- Chất liệu: Vải vóc, len,...
- Đồ trang sức: Đá quí, nữ trang..
- Bộ phận cơ khí, điện tử nhỏ
- Các bộ phận của động vật hay người.
- Rất nhiều chủ đề siêu nhỏ trong cuộc sống…

chụp ảnh macro là gì
Bọ vòi voi. Nhiếp ảnh gia Hải Minh

Chụp ảnh micro là gì

Tương tự như macro, nhưng chụp ảnh micro sử dụng có vật kính hiển vi chuyên dụng để phóng lớn các chi tiết siêu nhỏ với tỷ lệ phóng đại lớn hơn 25: 1. Mục đích của chụp ảnh micro phục vụ nghiên cứu khoa học là chính.

Chụp close-up là gì

Chụp close-up cũng tương tự như chụp macro, nhưng với tỉ lệ phóng đại nhỏ hơn 1:1. Đây là chế độ chụp mà một số máy compact được trang bị sẵn. Thông thường tỷ lệ là 1:2, 1:3, 1:5,...
Ba phương pháp trên thường được chụp ở khoảng lấy nét tối thiểu, nhằm đạt được độ phóng đại lớn nhất có thể. Sau đó di chuyển tiến lui máy ảnh nhằm đưa DOF bao phủ phần vật thể cần nét. Khoảng lấy nét tối thiểu là khoảng cách tối thiểu giữa máy và vật thể đảm bảo cho hình rõ nét trên cảm biến.
Chụp close-up áp dụng cho chụp hoa, chụp chân dung và các vật thể nhỏ cỡ ong, bướm, dế trở lên. Cự ly gần của chụp cận cảnh close-up cho phép bạn tạo ra những bức ảnh gây ấn tượng mạnh, nhưng không quá gần để khiến bạn gặp phải những "vấn đề về độ sâu của trường ảnh" như chụp macro và micro. Xem thêm: ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH LÀ GÌ.
Chụp close-up là gì
Ảnh close-up

Thiết bị chụp macro

1. Máy ảnh

Phần lớn các máy ảnh compact đang bán trên thị trường đều có trang bị chế độ Macro và/hoặc Super Macro (Sony, Olympus, Panasonic). Tuy nhiên các bạn nên lưu ý ở chế độ macro cài đặt sẵn của nhà sản xuất, các bạn thường chỉ chụp được ảnh close-up mà thôi, trừ 1 số dòng máy của Sony, Olympus với chế độ Super Macro cho phép bạn lấy nét gần vật ảnh từ 5cm đến 1cm có thể cho bạn độ phóng đại cao hơn (chế độ này chỉ hữu hiệu khi bạn sử dụng máy ở tiêu cự rộng nhất của máy).
Đối với các máy DSLR và Mirrorless, bạn cần chú trọng hơn các thiết bị tiếp theo sau đây.

2. Đèn flash

Do ảnh macro đòi hỏi có độ sâu trường ảnh khá sâu, và độ nét cao nên khẩu độ chụp khá thấp thường ở mức f/8-f/16, thậm chí đến f/22. Do đó tốc độ chụp thường khá chậm. Giải pháp để duy trì đủ sáng là dùng flash, tránh bù sáng bằng cách giảm tốc độ chụp chậm nhằm giữ được DOF sâu. Tốc độ chụp không quá chậm gây ra tình trạng rung máy, mất nét. Ngoài ra, flash còn giúp tạo catch-light trong 1 số trường hợp, giúp ảnh sinh động hơn.
CHỤP MACRO, MICRO, CLOSE-UP LÀ GÌ
Ảnh macro chụp chuồn chuồn. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

3. Lens chụp macro

Ống macro chuyên dụng. Các loại ống kính trên được thiết kế chuyên cho thể loại cận ảnh. Với loại này, khoảng cách lấy nét tối thiểu từ chủ thể tới máy là rất nhỏ. Điều này cho phép tối đa kích cỡ của chủ thể trên mặt cảm biến, cho tỉ lệ phóng đại phổ thông là 1:1. Các ống kính để bạn lựa chọn:
Lens macro Nikon:
Nikkor 55/2.8 AiS (giá 1t5-2t);
Nikon AF 60/2.8 (giá 3t8-4t5),
Nikon AFD 105/2.8 (giá 3t8-5t)
Tamron 90/2.8 (giá 300$-370$).
Lens macro Canon:
Canon Macro EFS 60/2.8, 100/2.8
Tamron 90/2.8 AF, Tamron 180/3.5 AF
Sigma 105/2.8 AF, 150/3.5 AF, 180/3.5 AF.
Nikon 60/2.8 AFD (dùng với mount chuyển Nikon-Canon)
Lens macro Sony:
Sony 30f3.5
Sony 50f2.8
Sony G 90f2.8
lens chụp macro cho canon
Lens chụp macro cho Canon Ef-s 60f2.8 và 100f2.8

4. Giải pháp không sử dụng lens chuyên dụng

- Sử dụng Canon/ Sigma/ Kenko Extension tube. Ống tube chỉ là một ống nối rỗng. Một đầu gắn vào thân máy, đầu kia gắn vào đuôi ống kính. Nguyên tắc của ống nối là đưa hệ thống thấu kính của lens ra xa bề mặt film, khiến ảnh của chủ thể to hơn. Extension tube là một trong những phụ kiện mang đến bất ngờ nhiều nhất. Không giống như các các bộ teleconvert khác, chúng không hề có chứa bất kỳ thấu kình nào. Mục đích của bộ extension tube này là làm giảm tối đa khoảng cách lấy nét từ chủ thể đến ống kính để bạn có thể chụp gần hơn đồng thời mang đến độ phóng đại lớn hơn. Extension tube có 3 loại tiêu cự, 36mm, 20mm và 12mm. Chúng có thể kết hợp với nhau để đạt độ phóng đại cao nhất. Với mức giá rất rẻ đây là phụ kiện bạn có thể sử dụng thêm nhưng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đánh đổi với lượng ánh sáng đi đến cảm biến ít hơn. Tương tự như extension tube, hộp xếp bellow có độ dài có thể tùy chỉnh được. Từ đó thay đổi được độ phóng đại tùy thuộc kích thước chủ thể được chụp.
chụp macro là gì - extension tube
Extension tube giúp giảm khoảng lấy nét cực tiểu, tăng độ phóng đại
- Đảo đầu ống kính. Một ống kính thông thường khi đảo đầu sẽ giống như một thấu kính hội tụ, cho khả năng lấy nét ở rất gần. Nhược điểm DOF quá mỏng do không siết được khẩu khi chụp (trừ một số lens có vòng đóng mở khẩu). Chất lượng ảnh nói chung không tốt. Hay bị mờ và tối ở 4 góc.
chụp macro là gì - dao đầu ống kính
Chụp Macro với phương pháp đảo đầu ống kính
- Kính phóng đại Canon 250D, 500D dùng chung với bất kỳ ống kính nào bạn đang có. Chỉ cần gắn trước ống kính, mọi việc khác thao tác như chụp bình thường.
- Close-up filter. Là phần kính phóng đại giống kính lúp gắn trước ống kính để tăng độ phóng đại. Loại này rẻ, dễ sử dụng nhưng chất lượng ảnh không cao.

5. Chân máy

Thông thường, việc lấy nét khi chụp macro được đặt ở chế độ Manual (lấy nét bằng tay). Do đó, một chút rung tay thôi cũng có thể thay đổi khung hình và khoảng cách từ máy tới chủ thể. Dẫn đến thay đổi điểm lấy nét và độ sâu trường ảnh. Việc sử dụng chân máy kèm theo rail dịch chuyển với các bước dịch chia nhỏ sẽ giúp lấy nét chính xác, đồng thời làm tiền kỳ chính xác cho phương pháp Focus Stacking được trình bày sau đây.
chụp macro là gì - Chân máy

Thông số chụp macro

Khẩu độ 

Có rất nhiều người lầm tưởng trong nhiếp ảnh macro rằng mở khẩu lớn để xóa phông, nhưng đó thực sự là một nhầm lẫn. Do phải chụp ở cự ly gần nên DOF hết sức mỏng, do đó cần khép khẩu để đạt được DOF tốt. Có thể là f5.6 đến f16. Thông thường, mọi người vẫn để khẩu độ tại f/11, thiết lập này cho độ nét tối ưu nhất.
chụp macro là gì khau do
Ảnh close-up. Ảnh Miki

Độ nhạy sáng ISO

ISO trong nhiếp ảnh macro là một vấn đề bạn sẽ phải giải quyết. Khi mà ảnh được phóng đại rất lớn, người xem sẽ để ý rõ hơn đến sự nhiễu hạt, không giống với nhiếp ảnh chân dung hay phong cảnh. Vì vậy, hãy cố gắng điều chỉnh ánh sáng để ảnh ít bị nhiễu hạt nhất.
CHỤP MACRO, MICRO, CLOSE-UP LÀ GÌ
Ảnh macro. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà,

Flash rời

Trong phần lớn trường hợp, bạn sẽ cần sử dụng tốc độ flash là 1/200s và khi các con côn trùng, bạn sẽ muốn sử dụng với tốc độ nhanh nhất có thể. Nên sử dụng cùng với một hộp tản sáng để ánh sáng không bị quá gắt. 
Lưu ý rằng: Ánh sáng flash rời có thể khiến chủ thể sợ và chạy mất. Ngoài ra, flash rời cũng khá khó để điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp và sáng đều các vùng. Còn với flash vòng, hãy chú ý vì flash vòng sẽ khiến ánh có độ sáng rất gắt.
chụp ảnh macro focus stacking
Chân dung nhện nhảy. Nhiếp ảnh gia Hải Minh

Kỹ thuật chụp chồng hình Focus Stacking

Một số tấm hình chụp với độ phóng đại cao, như hình ảnh chú nhện nhảy ở trên của Nhiếp ảnh gia Hải Minh được chụp với độ phóng đại 5x. Tức ảnh lớn gấp 5 lần con nhện ngoài thực tế. Thiết bị sử dụng rất nhiều bộ phận, chi tiết, trong đó quan trọng nhất là các vật kính hiển vi với độ phóng đại lên tới 5x, 10x, 15x, 20x. Khi đó, độ sâu trường ảnh DOF thường rất mỏng. Dù bạn đã khép khẩu hết mức, độ sâu trường ảnh vẫn không đủ rộng để bao phủ hết mẫu, mà khi đó còn tạo ra hiện tượng nhiễu xạ Diffraction Softening, làm xuất hiện viền sáng quanh mẫu và giảm độ nét.

Do đó ta cần đến kỹ thuật chồng nhiều hình ảnh có các khoảng DOF nối tiếp nhau, tạo nên một DOF tổng thể rộng hơn nhiều DOF của bất cứ tấm riêng lẻ nào. Việc chồng hình được thực hiện trên các phần mềm: Photoshop, Helicon Focus, PhotoAcute Studio, Stack Focuser hay Combinez5. Đó gọi là kỹ thuật Focus Stacking. Kỹ thuật này có thể thực hiện bằng cách thay đổi khoảng cách mẫu đến máy ảnh bằng tay, hoặc bằng hệ thống tự động Auto Stacking System.

Ví dụ hình dưới đây sử dụng stacking 2 tấm bằng tay. Một tấm lấy DOF bao phủ nửa thân trên, một tấm lấy DOF bao phủ nửa thân dưới. Chồng hình lại ta được một tấm nét toàn thân con ruồi.

chụp macro là gì - stacking
Tấm 1 nét phần đầu, tấm 2 nét phần đuôi. Tấm thứ 3 được ghép chồng nên nét toàn bộ con ruồi
Đây là một kỹ thuật nâng cao trong nhiếp ảnh macro. Một tác phẩm có thể được ghép nối từ hàng trăm tấm riêng lẻ. Do đó, công sức, thời gian và thiết bị đầu tư cho kỹ thuật này là rất lớn. Chỉ dành cho người chơi đam mê nghiêm túc và có tài chính vững vàng.

Tóm lại

Chụp ảnh macro có thể gây nghiện. Đúng thế đấy! Bởi bộ môn này giúp chúng ta có được cái nhìn hết sức mới mẻ về thế giới vi mô quanh mình. Đó thực sự giống như một hành trình khám phá vậy. Hãy thực hành nhiều lần để làm chủ các thiết bị mà bạn đang sở hữu cùng nhiều ý tưởng sáng tạo để có được tác phẩm tuyệt vời nhé. Chúc bạn thành công!

Wiki Việt Nam

Wiki Nhiếp ảnh

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply