Kiến thức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Phong cảnh và Tự nhiên

Nhiếp ảnh đời thường

Tin tức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Đen trắng

You are here

TIÊU CỰ ỐNG KÍNH MÁY ẢNH LÀ GÌ | HIỆU ỨNG TIÊU CỰ

Trên bất kỳ ống kính nào cũng đều ghi thông số với đơn vị là milimet. Ví dụ như: Trên ống Nikon ghi 18-55mm, trên ống Canon ghi 24-105mm. Trị số đó chính là tiêu cự ống kính - một đại lượng vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh. Vậy tiêu cự ống kính máy ảnh là gì ?


tiêu cự máy ảnh là gì
Tiêu cự ống kính Focal Length

Tiêu cự là gì ?

Tiêu cự là khoảng cách từ trọng tâm ống kính tới cảm biến máy ảnh, tính bằng milimet (mm). Tiếng anh là Focal Length. Nikon 18-55mm nghĩa là lens đó có tiêu cự biến thiên trải dài từ 18 tới 55mm.

Tiêu cự và khẩu độ có mối liên hệ:

Khẩu độ chính là tỷ số giữa tiêu cự ống kính vào đường kính lỗ mở của các lá khẩu. Ví dụ, lens 50mm f/1.4 đường kính lổ mở lớn nhất 35.7 mm. Tỷ số tiêu cự 50mm chia cho đường kính 35.7mm bằng 1.4. Do mối quan hệ chặt chẽ giữa tiêu cự và khẩu độ này mà trên thực tế các ống kính tele ít có khẩu độ lớn. Bởi muốn có khẩu độ lớn cần có đường kính lỗ mở rất to, cộng thêm các mô tơ lấy nét trong cấu tạo dẫn đến ống kính quá cồng kềnh, không mang tính tiện dụng.

Tiêu cự có 2 tính chất quan trọng:

- Tiêu cự càng lớn cho ta khả năng chụp càng xa. Có nghĩa tiêu cự tỷ lệ thuận với độ khuếch đại chủ thể.
- Tiêu cự càng lớn góc chụp càng hẹp. Tức là tiêu cự tỷ lệ nghịch với góc nhìn. Do đó mới có sự phân loại ống kính theo tiêu cự như sau:
* Ống kính siêu rộng (super wide) có tiêu cự <24mm, thường dùng chụp phong cảnh.
* Ống kính góc rộng (wide) có tiêu cự từ 24mm-50mm, thường dùng chụp phong cảnh, đường phố.
* Ống kính trung bình (normal) 50mm, thường dùng chụp đường phố, chân dung.
* Ống kính xa (tele) có tiêu cự >50mm, thường chụp chân dung, động vật hoang dã, thể thao,...
Góc nhìn tương ứng với tiêu cự

Hệ số nhân tiêu cự ống kính

Ở cùng một giá trị tiêu cự, góc nhìn trên máy fullframe rộng hơn trên máy crop và four-thirth do cảm biến các loại này nhỏ hơn 35mm của fullframe, hình ảnh bị cắt cúp tương ứng với tỉ lệ kích thước cảm biến. Do đó, lấy góc nhìn tương ứng với tiêu cự trên máy fullframe làm chuẩn, góc nhìn của các giá trị ghi trên ống kính dành cho máy APS-C, Four-third hay nhỏ hơn cần quy đổi với hệ số cắt cúp tương ứng. Sự quy đổi nay dựa trên nguyên tắc: CÙNG GÓC NGẮM.
Bạn phải nhân chúng với hệ số crop để được góc nhìn tương ứng với tiêu cự trên fullframe. Cảm biến APS-C có hệ số nhân tiêu cự là 1.5 (riêng Canon APS-C là 1.6), cảm biến micro four-third có hệ số nhân tiêu cự là 2.

Ví dụ: ống kính có tiêu cự 16mm khi gắn trên máy APS-C sẽ tương đương với tiêu cự 16mm x 1.5 = 24mm trên máy Full Frame.
bảng quy đổi tiêu cự máy ảnh
Bảng quy đổi các tiêu cự phổ biến trên các máy có cảm biến nhỏ về tương đương góc ngắm fullframe

Ý nghĩa của sự quy đổi tiêu cự ống kính

Phải nhấn mạnh ở đây rằng hệ số quy đổi này chỉ có ý nghĩa CÙNG GÓC NGẮM. Không có ý nghĩa quy đổi tương đương hiệu ứng khác (DOF, bokeh, hiệu ứng phối cảnh xa nhỏ gần to,...).
Chuyên sâu về Cảm biến Full Frame và Crop APS-C xem tại đây.

Cụ thể, rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi tới Wiki Nhiếp ảnh như: ống kính 35f1.8 trên crop có tương đương ống kính 50f1.8 trên fullframe hay không? Câu trả lời là KHÔNG HOÀN TOÀN. Chúng tương đương về góc ngắm, nhưng không tương đương về độ sâu trường ảnh, tức hiệu ứng xóa phông. Bởi đơn giản ở đây, góc hình trên cảm biến crop đã được cắt cúp bớt khi ống kính cho ảnh trên mặt phẳng cảm biến. Thực tế chụp bởi ống kính 35f1.8 trên crop có cùng độ sâu trường ảnh với 35f1.8 trên fullframe, nhưng có góc nhìn hẹp tương đương tiêu cự 52.5mm.

Các hiệu ứng của tiêu cự

Hiệu ứng tiêu cự tới độ sâu trường ảnh

Tiêu cự (focal length) ở các mức khác nhau cho góc nhìn khác nhau và độ phóng đại khác nhau
Nhìn hình trên, ta có thể thấy tiêu cự càng lớn cho độ khuếch đại càng lớn và hậu cảnh càng mờ, tức độ sâu trường ảnh DOF càng mỏng. Tức là, tiêu cự tỉ lệ nghịch với DOF. Các ảnh hưởng của tiêu cự tới độ sâu trường ảnh xem thêm tại đây: Độ sâu trường ảnh và các yếu tố quyết định.

Hiệu ứng của tiêu cự tới khoảng cách giữa các chủ thể trong khung hình

Các nhiếp ảnh gia rất ưa thích chụp phong cảnh với ống kính góc rộng. Tại sao vậy? Bản thân từ "góc rộng" cho ta hiểu rằng ống kính có khả năng gom nhiều chủ thể vào một khung hình. Nhưng liệu rằng chỉ có thế? Một đặc tính vô cùng thú vị khác nữa khiến người chơi ống góc rộng tâm đắc đó là hiệu ứng "gần to xa nhỏ". Có nghĩa, nó khuyếch đại khoảng cách giữa các chủ thể trong khung hình. Ngược lại, ống kính tele lại cho hiệu ứng thu nhỏ khoảng cách giữa các chủ thể, tương quan kích thước các chủ thể khi này tương đương với thực tế (mất đi hiệu ứng "gần to, xa nhỏ").

Hieu ung tieu cu ong kinh may anh
Hiệu ứng của tiêu cự góc rộng và góc hẹp lên khoảng cách giữa các chủ thể
Trong hình trên, 3 lon đồ ăn được đặt cách nhau 30cm. Phân tích ra ta có thể thấy:
- Ở tiêu cự góc rộng 24mm khoảng cách 3 lon đồ ăn được khuyếch đại lớn. Lon gần nhất dường như "khổng lồ" so với 2 lon còn lại. Đây chính là hiệu ứng "gần to, xa nhỏ" của lens góc rộng.
- Ở tiêu cự góc hẹp 300mm, khoảng cách 3 lon dường như thu hẹp đáng kể. Kích thước của chúng tương đương nhau.
Do vậy, cái hay của chụp phong cảnh chính là hiệu ứng thú vị này của lens góc rộng, nó cho ta tác động thị giác ấn tượng và đẹp mắt, rất phù hợp chụp phong cảnh. Còn cái hay của lens góc hẹp là cắt giảm các chi tiết thừa gây rối cho hình. Chủ thể nổi bật trên phông nền, thích hợp cho chụp chân dung, thiên nhiên hoang dã.
Góc ghế và mái lều dường như to lớn hơn nhờ ống kính góc rộng
Hiện nay thị trường có rất nhiều lựa chọn ống kính góc rộng tới siêu rộng tùy thuộc vào từng hãng. Tuy nhiên những ống kính này thực sự là cả một gia tài, bởi giá của chúng là không hề dễ sở hữu cho người chơi phổ thông.
Qua bài này chúng ta đã có được cách hiểu đúng về tiêu cự ống kính máy ảnh là gì. Tránh những hiểu lầm về hệ số quy đổi tiêu cự, đồng thời nắm được hiệu ứng tiêu cự để có được những tấm hình mang cảm xúc cao cho thị giác người xem. Chúc bạn vui vẻ!

Xem thêm: LÝ THUYẾT NHIẾP ẢNH - 33 KIẾN THỨC CƠ BẢN MÀ ĐỈNH CAO.

Wiki Việt Nam

Wiki Nhiếp ảnh

Không có nhận xét nào:

Leave a Reply