Kiến thức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Phong cảnh và Tự nhiên

Nhiếp ảnh đời thường

Tin tức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Đen trắng

You are here

LÝ THUYẾT NHIẾP ẢNH - 33 KIẾN THỨC CƠ BẢN MÀ ĐỈNH CAO | Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà

Bài viết trình bày tổng quan lý thuyết chụp ảnh cơ bản, đơn giản hóa kiến thức nhiếp ảnh nhằm đưa ra cái nhìn bao quát và dễ hiểu, dễ thực hành cho người mới chơi.
Lý thuyết nhiếp ảnh kiến thức cơ bản
Welcome to Photography. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà.

Nhiếp ảnh không phải cứ cầm máy lên là chụp, cũng không phải cứ thiết bị đắt tiền là cho ra ảnh đẹp. Nhiếp ảnh là cảm xúc của người cầm máy trước một khoảnh khắc, một khung cảnh, một con người hay bất kỳ điều ý nghĩa nào, muốn lưu lại để hồi tưởng, cảm nghiệm và chia sẻ. Ngày nay, số lượng bạn trẻ yêu nhiếp ảnh ngày càng lớn. Kiến thức lại quá mênh mông, rất nhiều điều phải học, phải nhớ, phải trao đổi. Vì vậy, để nhiếp ảnh đến gần và dễ dàng thực hành hơn với mọi người, Wiki Nhiếp ảnh chính thức phát hành nội dung: LÝ THUYẾT NHIẾP ẢNH - 33 KIẾN THỨC CƠ BẢN MÀ ĐỈNH CAO.


Thông tin tác giả, mọi đóng góp ý kiến mọi người gửi về:

Phone: 091 995 1441
Email: manhha22@gmail.com




Các nội dung chính được trình bày trong bài:

NỘI DUNG TRÌNH BÀY

Bạn có thể click vào từng mục để xem chi tiết, hoặc lăn chuột để xem từ đầu đến kết thúc.

Phần 1: Tổng quan về Nhiếp ảnh

Phần 2: Máy ảnh - ống kính - thiết bị - phụ kiện

Phần 3: Các khái niệm, thông số nhiếp ảnh cơ bản

Phần 4: Một số kỹ thuật chụp ảnh

Phần 5: Các lưu ý khi chụp ảnh

lý thuyết kiến thức nhiếp ảnh cơ bản

CHÚNG TA CÙNG ĐI VÀO NỘI DUNG CHI TIẾT!
Xin nói trước rằng, nội dung bài này là rất dài, nhưng sẽ là những bài học vô cùng giá trị cho những ai đang trên con đường chinh phục niềm đam mê nhiếp ảnh. Đây là bước đầu tiên để làm chủ những thiết bị mà ta có, cũng như những tư duy đầu tiên làm tiền đề cho các ý tưởng sáng tác nhiếp ảnh sau này của các bạn. Hãy kiên trì đọc và thực hành nhé! Nào, bắt đầu hành trình thôi!




PHẦN 1 - TỔNG QUAN VỀ NHIẾP ẢNH

Kiến thức tổng quan để nhìn bao quát về nhiếp ảnh. Từ đó hình thành định hướng phát triển cho sự nghiệp và đam mê nhiếp ảnh của bản thân. Đây là phần nội dung nền tảng hết sức quan trọng.


1. Nhiếp ảnh là gì

Trên trang Wikipedia có định nghĩa:
Nhiếp ảnh là quá trình tạo ra hình ảnh bằng tác động của ánh sáng với phim hoặc thiết bị nhạy sáng. Nhiếp ảnh dùng một thiết bị đặc biệt để ghi lại hình ảnh của vật thể thông qua ánh sáng được phản chiếu từ các vật thể lên giấy hoặc phim nhạy sáng, bằng cách căn thời gian phơi sáng. Quá trình này được thực hiện bằng các thiết bị cơ học, hóa học, hay kỹ thuật số thường được gọi là máy ảnh hay máy chụp hình.
Tất nhiên chúng ta cũng không cần nhớ định nghĩa "máy móc" trên làm chi, Wiki Nhiếp ảnh xin cắt nghĩa lại như sau:
Nhiếp ảnh hiện đại là quá trình lưu lại hình ảnh về cuộc sống thông qua các thiết bị chuyên dụng, nhằm mục đích lưu giữ, chia sẻ, thông tin, thời sự và quảng bá xã hội.
lý thuyết kiến thức nhiếp ảnh cơ bản
Khoảnh khắc ghi lại ánh mắt của một em bé mồ côi. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Lợi ích của Nhiếp ảnh mang đến cho chúng ta:

Những tưởng Nhiếp ảnh chỉ đơn giản là đam mê sở thích, chỉ mang lại niềm vui cho người chơi. Nhưng thực sự, chúng ta nhận được nhiều hơn chúng ta nghĩ.

1. Biết tận hưởng những điều đẹp đẽ ẩn sâu trong cuộc sống hàng ngày
Một chiếc xe rác cũng trở nên đẹp đẽ dưới ánh đèn đường. Một khung cảnh làng quê mộc mạc trên đường ta qua đầy hấp dẫn. Hay một con côn trùng nhỏ bé trong vườn cũng kỳ lạ và thú vị. Tất cả đều là sản phẩm của tạo hóa, với màu sắc, hình hài, diện mạo rất riêng. Giúp ta sống thấy đẹp, rồi sống trân trọng, sống biết ơn nhiều hơn.

2. Lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của cuộc đời
Đó có thể là khi con của bạn chào đời. Hay là từng bước lớn lên theo năm tháng của bé cho tới lúc trưởng thành. Hoặc bạn và người bạn đời đã đi đến đâu, lưu dấu nơi nào,... Cuộc sống là nối tiếp của những khoảnh khắc. Làm sao chúng ta bỏ lỡ để ghi lại thành những khung hình đẹp đẽ được, đúng không.

3. Biết trầm lắng, suy nghĩ kỹ hơn mỗi khi ra quyết định
Từ tốn, nhưng vẫn nhanh nhẹn. Kỹ càng nhưng vẫn đúng lúc. Đó là lợi ích tuyệt vời của Nhiếp ảnh.

4. Giúp bạn vận động, nâng cao sức khỏe
Một ngày có thể đi 6, 7 km để chụp ảnh đường phố là bình thường. Chưa kể mỗi dịp đi săn ảnh thiên nhiên, leo núi, đi bộ, đạp xe cả chục cây số. Sức khỏe của bạn sẽ tăng lên trông thấy đó.

5. Mở rộng tầm mắt và trí óc
Nhiếp ảnh cho bạn nhìn thấy những thứ bình thường bạn không bao giờ để ý. Trí não bạn được kích thích để nhìn vấn đề theo khía cạnh khác, từ đó set up góc nhìn, bố cục lạ mắt. Bạn sẽ nhìn sự vật quen thuộc theo một hướng hoàn toàn mới lạ. Một số khung hình còn mang ý ẩn dụ, đầy tâm tư và tỉnh cảm sâu xa. 

6. Giúp ta kết nối với nhiều người
Khi chơi là có cộng đồng, bạn bè để trao đổi, chia sẻ, học hỏi qua lại. Hiện nay Việt Nam có rất nhiều cộng đồng nhiếp ảnh lớn và uy tín như:
- Cộng đồng Wiki Photo Community: nơi chia sẻ kiến thức, kỹ thuật, quan điểm nhiếp ảnh, trực thuộc Wiki Nhiếp ảnh.
https://www.facebook.com/groups/WikiPhotoCommunity
- Vietnam Street Photography: 90.000 thành viên với chủ đề Nhiếp ảnh đường phố.
https://www.facebook.com/groups/vietnam.streetlife.photography
- Thế giới côn trùng: 9.500 thành viên với chủ đề macro côn trùng.
https://www.facebook.com/groups/thegioicontrung
- Nhiếp ảnh Tối giản Minimalist.
https://www.facebook.com/groups/minimalistphotographyvietnam

7. Sống hạnh phúc và trọn đầy hơn
Vui với các tác phẩm là một hạnh phúc. Vui khi được bạn bè ghi nhận là hạnh phúc thứ hai. Và vui khi được chia sẻ, nhân rộng giá trị nhân văn là hạnh phúc vô cùng lớn. Hành trình khám phá nhiếp ảnh không bao giờ kết thúc.

8. Mang thêm thu nhập
Nếu bạn là Nhiếp ảnh gia thương mại thì điều này là hiển nhiên rồi. Tuy nhiên các nhiếp ảnh gia nghiệp dư cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập nhờ bán bản quyền ảnh cho các đơn vị phát hành sách, báo, trang du lịch , quảng cáo; hay bán các ấn phẩm khung ảnh tới người hâm mộ, yêu thích.

9. Góp phần quảng bá hình ảnh du lịch quê hương Việt Nam
Cần biết rằng, khi niềm đam mê đã trở thành tài năng, thì tác phẩm của bạn không chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý nhỏ bé, mà lan rộng vượt biên giới quốc gia. Từ đó xây dựng cái nhìn tốt đẹp, nhân văn về thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế.

Nhiếp ảnh là những góc nhìn cuộc sống.  Hai em bé ở xóm nghèo Tây Ninh. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà




2. Đến với bộ môn nhiếp ảnh cần chuẩn bị những gì

Đầu tiên, lý do gì bạn đến với nhiếp ảnh? Bạn muốn chụp cái gì?

- Bạn muốn chụp những tấm hình thật đẹp cho người thân yêu bên mình? 
- Bạn muốn lưu lại khung cảnh cuộc sống, con người, văn hóa trên mọi miền đất mỗi khi đi qua? 
- Bạn làm phóng viên, ký sự, quảng cáo, wedding, sự kiện,... cần dùng nhiếp ảnh là công cụ chính để tác nghiệp?
- Rất rất nhiều lý do khác nữa.
Vậy cái đầu tiên mà chúng ta cần chuẩn bị ở đây là: LÝ DO đến với nhiếp ảnh và bạn muốn CHỤP CÁI GÌ. Từ đó phát triển hướng đi, phát triển tâm hồn nhạy cảm, và phát triển tầm nhìn của mình dành cho nhiếp ảnh.

Thứ 2, tất nhiên là các thiết bị sử dụng để tác nghiệp

Bao gồm: máy ảnh, ống kính, chân máy, đèn flash, filter các loại, túi, ba lô,... rất rất nhiều. Trả lời được câu hỏi bạn muốn chụp cái gì ở trên là bạn sẽ biết được mình cần có các loại thiết bị gì. Thực sự bạn nên mua sắm theo đúng nhu cầu và mức tài chính, tránh dư thừa lãng phí. Cụ thể hơn chúng ta sẽ đi vào các phần sau, bạn sẽ rõ.

Thứ 3, vô cùng quan trọng! Đó là ý thức bảo vệ môi trường

Chơi nhiếp ảnh rồi sẽ đến lúc bạn nảy lòng ham thích đi "săn ảnh", đi đây đó nhiều để trải nghiệm. Có khi lên rừng, xuống biển, leo núi,... Trong quá trình tác nghiệp cần chú ý gìn giữ địa danh, thắng cảnh mình ghé qua. Tránh xả rác, hay làm tổn hại các di sản thiên nhiên, đó là tài sản quốc gia, cũng cần được bảo vệ như tài sản của cá nhân mình vậy.
Tương tự, trên đường đi cũng sẽ gặp nhiều con người ở mọi tầng lớp, hoàn cảnh sống khác nhau. Cần hòa đồng, thân thiện và tôn trọng phong tục địa phương. Từ đó góp phần mang lại tác phẩm có hồn và cái chất tuyệt vời cho chính bạn.

Thứ 4, cuối cùng! Sức khỏe và sự khiêm tốn

Bạn cần một sức khỏe kiên cường và tinh thần đam mê học hỏi. Sức khỏe để thực hiện được dự án ảnh như mình mong muốn, băng rừng vượt suối, lên non, xuống biển cũng là chuyện thường. Khiêm tốn học hỏi bởi kiến thức là vô tận, ý tưởng và kỹ năng là vô biên. Thế giới ngoài kia mênh mông lắm, luôn chờ đợi bạn giong buồm tới chinh phục, khám phá. 
Hang Rái, Rừng Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà.



3. Cầm máy thế nào cho đúng

Khi đi xa, nên chuẩn bị ba lô túi đựng máy ảnh cho phù hợp. Phải có chống shock bằng mút dày. Nếu có chống mưa chống nước thì càng tốt. Mỗi khi cầm máy thì phải tự tin, vững vàng và thoải mái. Và đây là tư thế cầm máy chuẩn nhất, hãy đứng dậy, thực hành làm theo nào!
tư thế cầm máy ảnh
Tư thế cầm máy đúng



4. Các thể loại nhiếp ảnh

Với nhiếp ảnh, mỗi thể loại đều mang một ý nghĩa, mục đích khác nhau. Do đó việc xác định rõ các thể loại trong nhiếp ảnh, chúng ta sẽ xác định được con đường mình đi trong tương lai là gì, cống hiến theo sở trường của bản thân. Có người thích chụp động vật hoang dã, có người lại thích chụp cuộc sống lao động truyền thống, có người chuyên chụp chân dung,... Rất đa dạng. Theo nguồn VAPA (Cinet) Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam​, nhiếp ảnh bao gồm các thể loại sau:

Ảnh phong cảnh

Là ghi lại một khung cảnh thiên nhiên mà con người trong ảnh (nếu có) không chiếm một vị trí quá lớn. Ảnh phong cảnh bao giờ cũng mang một ý đồ nghệ thuật, một nội dung tư tưởng rõ ràng. Thành công của một bức ảnh phong cảnh ngoài nội dung tư tưởng, ảnh phải mang được cái hồn của đất nước, địa danh, hoặc xứ sở nào đó. Đó là dấu ấn chủ quan hay là cái riêng của nhà nhiếp ảnh; đồng thời ảnh phải mang giá trị thẩm mỹ cao qua bố cục, đường nét, ánh sáng.

Ảnh Chân dung

Văn học nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng bao giờ cũng lấy con người là đối tượng mô tả. Ảnh chân dung ngoài việc diễn tả con người với việc nhấn mạnh về nét mặt và hình dáng, qua đó làm cho người xem cảm nhận được tâm trạng của nhân vật. Ảnh chân dung phải phản ánh được đặc điểm, tính cách của con người, thể hiện rõ, tình cảm tư tưởng của đối tượng.

Ảnh kiến trúc

Là thể loại ảnh mô tả kiến trúc như nhà ở, đường phố, chùa chiền… nhằm giới thiệu nét đẹp của kiến trúc. Trong ảnh kiến trúc có hai loại: 
Ảnh kiến trúc tả thực: ảnh mô tả nguyên gốc như kiến trúc sư thiết kế, không bị biến dạng bởi kĩ thuật nhiếp ảnh. 
Ảnh kiến trúc khái quát chọn lọc: được chụp theo cảm hứng nghệ thuật, không bị ràng buộc bởi những nguyên tắc vuông góc, thẳng đứng song song… Tuỳ theo cảm hứng của nghệ sĩ, sẽ mang đến cho người xem cảm thụ kiến trúc thẩm mỹ.
CÁC THỂ LOẠI NHIẾP ẢNH

Ảnh quảng cáo

Là những bức ảnh sử dụng các yếu tố kĩ thuật nhiếp ảnh để giới thiệu tới người xem với mục đích thương mại và du lịch về một mặt hàng, một ngành sản xuất, một tổ chức hay một vùng du lịch. 

Ảnh tĩnh vật

Miêu tả đồ vật gắn bó với đời sống con người. Ảnh tĩnh vật không chỉ nhằm mục đích trang trí, mà chủ yếu mang ý đồ nghệ thuật để làm nổi nội dung tư tưởng, mang đến cho người xem một cảm nhận nào đó về ý nghĩa nhân văn, xã hội… Ảnh tĩnh vật đòi hỏi bố cục đẹp, rõ chất liệu của đồvật. Ảnh tĩnh vật có thể dùng ánh sang nhân tạo hoặc ánh sáng tự nhiên. 

Ảnh thể thao

Phản ánh phong phú bộ môn thể thao từ những buổi tập đến những cuộc thi đấu so tài. Ảnh thể thao phải phản ánh được nét của vận động viên trong quá trình tập luyện thi đấu mang tính nghệ thuật cao, từ đó nêu bật được cái thần thái, khí thế và sức mạnh bên trong con người ấy. 

Ảnh sân khấu

Phản ánh mọi hoạt động của diễn viên trong quá trình tập luyện, biểu diễn. Ảnh sân khấu đòi hỏi phải thể hiện cho được nội dung tư tưởng chủ yếu của vở diễn. Vì vậy, cần thể hiện ở những khoảnh khắc có sức biểu hiện cao nhất.
Ảnh sân khấu bao gồm: ảnh sân khấu có yếu tố kịch bản như kịch nói, tuồng chèo, cải lương… với loại sân khấu này, nhà nhiếp ảnh cần nghiên cứu kỹ kịch bản để chọn những cảnh tiêu biểu của vở diễn. Đối với ảnh vũ đạo (bale, múa dân tộc…) phản ánh cho được nét đẹp của diễn viên qua nét mặt và động tác múa. Về ảnh dàn nhạc, thể hiện mối quan hệ giữa con người với nhạc cụ, hoặc chân dung diễn viên. 

Ảnh macro

Chụp macro hay chụp cận cảnh là chế độ cho phép chụp đối tượng có kích thước nhỏ ở khoảng cách rất gần. Chế độ chụp macro luôn gây hứng thú cho người dùng bởi nó mang lại những góc nhìn hoàn toàn mới lạ về các đối tượng thân thuộc như hoa, cỏ, mầm cây, con trùng nhỏ… Những điều mà mắt người khó có thể thấy trực tiếp vì kích thước quá nhỏ, thì qua ảnh macro với hệ số phóng lớn, mọi thứ được thể hiện một cách chi tiết và chân thực.
Thể loại macro. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà.

Ảnh báo chí

Là một loại ảnh mang tính thời sự cao, có nội dung tư tưởng rõ ràng. Ảnh báo chí gồm nhiều thể loại nhỏ hơn: 
Ảnh tin
Là loại ảnh phổ biến nhất của thể loại báo chí, nó có nhiệm vụ thông tin sự kiện, những vấn đề thời sự diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh tin gồm 2 phần: Ảnh và lời chú thích, dẫn giải sự kiện cần đáp ứng được 5 “W” là: ai, tại sao, ở đâu, bao giờ và như thế nào. 
Ảnh tường thuật
Cũng gần giống như ảnh tin, nhưng là thông tin tổng hợp bằng kết cấu hữu cơ giữa ảnh và bài viết theo một chủ đề thống nhất. Ảnh tường thuật phải là một nhóm ảnh từ 3 ảnh trở lên. Nhóm ảnh này được sắp xếp theo trình tự thời gian của diễn biến sự kiện hoặc xếp theo trình tự không gian. Kết cấu của nhóm ảnh được phát triển theo logic, nội dung và hình thức thể hiện. 
Ảnh bình luận
Là loại ảnh nghị luận của báo chí, đưa đến cho người xem những chứng kiến, những nhận xét về vấn đề thời sự. Ảnh bình luận có hai cách diễn giải: Một bức ảnh đưa ra làm căn cứ cho bài bình luận kèm theo. Thông thường bức ảnh đó phải là một tài liệu có giá trị giàu sức thuyết phục. Bản thân bức ảnh xếp cạnh nhau là những bằng chứng, luận cứ của những lời nghị luận. Phần lớn đó là những bức ảnh đối lập nhau, những nghịch cảnh… 
Ảnh tài liệu
Là những bức ảnh mang tính lịch sử, sự kiện có tác dụng để chứng minh một vấn đề. Ảnh tài liệu gồm: Ảnh tài liệu lịch sử, ảnh khoa học. 
Ảnh phóng sự
Là một tập hợp gồm từ 3 ảnh trở lên. Những tập hợp ảnh này thể hiện một chủ đề, mỗi ảnh có nhiệm vụ chi tiết hoá các khía cạnh khác nhau của vấn đề đó, để đưa đến cho người xem một lượng thông tin lớn hơn. Phóng sự ảnh là một thể loại rõ ràng sinh động của báo chí, nó tạo cho người xem hình dung được sự việc đã diễn ra.
Ảnh ký sự
Là nói đến tính khái quát, tính điển hình hoá sự kiện và biến nó thành hình tượng nghệ thuật. Trong ký sự ảnh, sự kiện không phải là cái chính mà cái chính là hình tượng. 
Khái niệm ký sự thường liên quan đến sự kể chuyện về một con người cụ thể hoặc một tập thể nào đó. Ký sự ảnh là một tác phẩm nghệ thuật mang tính báo chí. Nó là một bài ca về con người thật, sự việc có thật, nhưng không mang tính thời sự cấp bách mà yêu cầu tác giả xây dựng được hình tượng có ý nghĩa cho cả một thời kỳ, thậm chí vĩnh cửu.
Thể loại nhiếp ảnh
Những cô đào nhí phường hát xoan Phú Thọ. Cuộc thi ảnh Dấu ấn Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Việt Thanh

Ảnh Đường phố

Thể loại ảnh này ghi nhận một cách thực tế, sống động về cuộc sống xung quang, dưới những góc nhìn khác đi. Nhịp sống tăng lên, khiến con người ta ít có dịp lắng lại để tận hưởng, ngắm nhìn những nét đẹp bình dị đang hiển hiện hàng ngày. Nhiếp ảnh đường phố giúp bạn sáng tạo và cảm nhận được điều đó.

Người đàn ông lái xe Tuktuk ở Băngkok. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Ảnh Tối giản

Thể loại này dùng để mô tả, ghi nhận lại các khung hình đơn giản, nơi các chủ thể được làm nổi bật bởi màu sắc và hình khối và các chi tiết thừa được loại bỏ hoàn toàn. Nhằm truyền tải một câu chuyện hay một thông điệp về cuộc sống - khi mà mọi thứ đang cuồn cuộn chảy trong nhịp bộn bề hiện đại.
Ảnh tối giản mà chứa đựng câu chuyện cuộc sống. Ảnh Kmon Nguyễn.





PHẦN 2: MÁY ẢNH - ỐNG KÍNH - THIẾT BỊ - PHỤ KIỆN

Hiểu để biết ta cần gì, sắm gì. Tránh dư thừa, lãng phí. Từ đó tập trung cho định hướng phát triển nhiếp ảnh của mình.


5. Máy ảnh

Máy ảnh có 2 loại chính: máy cơ (máy phim) và máy kỹ thuật số. Trước 2005, khi những chiếc máy ảnh số bắt đầu du nhập vào Việt Nam, máy phim dần bị thay thế bởi tính tiện dụng mới mẻ của máy ảnh số. Mặc dù vậy cho đến nay, người chơi máy phim vẫn đánh giá cao chất lượng của ảnh phim mà không máy ảnh số nào có thể thay thế được. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nội dung lý thuyết nhiếp ảnh này, Wiki Nhiếp ảnh chỉ xin đi sâu về máy ảnh kỹ thuật số. Máy ảnh phim sẽ trình bày trong một bài chia sẻ khác. 
Phân loại máy ảnh số có 3 nhóm chính: DSLR, Mirrorless và Compact (máy du lịch, máy Point & Shoot). Chúng ta đi vào tìm hiểu chi tiết từng nhóm.

Máy ảnh DSLR

Xuất hiện sớm, từ đầu 2005 được ưa chuộng phổ biến cho đến nay. Máy DSLR cấu tạo gồm thân máy (body) và ống kính (lens) có thể tháo rời để thay đổi tùy vào hoàn cảnh chụp và mục đích chụp. Trong thân máy có gương lật, kính ngắm, màn trập và cảm biến. Trong ống kính có các thấu kính hội tụ phân kỳ được sắp xếp, chế tạo theo tính toán và các lá khẩu để điều khiển lượng sáng đi vào cảm biến.
Nguyên lý hoạt động: Ánh sáng đi từ chủ thể được chụp tới thấu kính, phản xạ qua gương lật để lên kính ngắm, giúp nhiếp ảnh gia định hình khung ngắm. Khi nhấn nút chụp, gương lật được mở lên, màn trập mở ra trong một khoảng thời gian (gọi là tốc độ màn trập) khiến cảm biến lộ sáng. Ánh sáng từ ống kính đi vào cảm biến, cho hình ảnh ghi lại rõ nét. Ta thu được tấm hình mong muốn.
Nguyên lý hoạt động của máy ảnh DSLR

Máy ảnh Mirorless

Là máy ảnh có hoạt động tương tự DSLR, đều có hệ thống ống kính có thể tháo rời. Tuy nhiên không có hệ thống gương lật và gương phản xạ, mà ánh sáng đi thẳng vào cảm biến, cho hình ảnh trực tiếp. Nhiếp ảnh gia sử dụng ống ngắm điện tử hoặc màn hình liveview để ngắm khung hình. Máy ảnh mirrorless cho chất lượng hình tương tự DSLR, nhưng có phần nhỏ gọn hơn trong một số trường hợp.
DSLR Sony và Mirrorless Olympus
Máy ảnh DSLR đọ dáng cùng máy ảnh mirrorless

Máy ảnh compact hay còn gọi là máy point & shoot, máy ảnh du lịch

Là loại máy ảnh gọn nhẹ, dễ sử dụng đúng như tên gọi: “ngắm và chụp”. Ống kính gắn liền không thể tháo rời hay thay đổi, không có gương lật và do đó không có kính ngắm quang OVF (optical viewfinder) mà thường chỉ có màn hình LCD. Một số máy hiện đại gần đây có gắn thêm ống ngắm điện tử EVF (electical viewfinder) dùng khi trời quá nắng, khó ngắm qua LCD. Máy sử dụng cảm biến nhỏ, vì thế chất lượng ảnh kém hơn nhiều máy ảnh ống kính rời.
Các dòng máy ảnh du lịch thường có kích thước nhỏ gọn, dễ sử dụng và giá rẻ

Các loại cảm biến máy ảnh và ảnh hưởng của chúng tới chất lượng ảnh

Cảm biến là bản mạch bán dẫn có khả năng cảm nhận ánh sáng chiếu lên trên nó, nhờ đó mà hình ảnh được ghi nhận dưới dạng mã hóa điện tử (kỹ thuật số). Như vậy về bản chất, cảm biến máy ảnh số đã làm nhiệm vụ của phim nhựa trên máy ảnh cơ.
Cảm biến của máy ảnh thông thường gồm: Full Frame, APS-C và Four-Thirds dành cho máy ảnh ống kính rời, nhỏ hơn nữa là các loại 1", 1/1.7" và 1/2.3" dành cho máy compact. Cảm biến Full Frame là loại cảm biến được gắn trên những thân máy ảnh cao cấp nhất, kích thước của chúng bằng với kích thước của một khung phim trong cuộn phim 35mm thường dùng. Cảm biến APS-C nhỏ hơn 1.5 lần (riêng Canon là 1.6 lần), trong khi đó cảm biến Four-Thirds hay micro Four-Thirds nhỏ hơn 2 lần.
Nhìn chung, cảm biến càng lớn, nghĩa là từng pixel có kích thước càng lớn, ánh sáng thu vào từng pixel càng nhiều, theo đó ảnh thu được càng chi tiết và các hiệu ứng khác đẹp hơn như: ít noise, dải dynamic range rộng, độ tương phản tốt.
Các kích thước cảm biến máy ảnh

Bàn về hệ số crop khung hình, hay tỷ lệ quy đổi tiêu cự.

Thông thường khi sử dụng máy ảnh có cảm biến không phải fullframe, các tiêu cự trên ống kính thường được quy đổi về tiêu cự của ống kính fullframe trên nguyên tắc: CÙNG GÓC NGẮM. Bạn phải nhân chúng với hệ số crop để được tiêu cự tương ứng trên fullframe. Các hệ số đó là 1.5 hay 1.6 hay 2 như đã trình bày ở trên.
Ví dụ: ống kính có tiêu cự 16mm khi gắn trên máy APS-C sẽ tương đương với tiêu cự 16mm x 1.5 = 24mm trên máy Full Frame.
bảng quy đổi tiêu cự máy ảnh
Bảng quy đổi các tiêu cự phổ biến trên các máy có cảm biến nhỏ về tương đương góc ngắm fullframe
Có điều phải nhấn mạnh ở đây rằng hệ số quy đổi này chỉ có ý nghĩa CÙNG GÓC NGẮM. Không có ý nghĩa quy đổi tương đương hiệu ứng khác (DOF, bokeh, hiệu ứng phối cảnh xa nhỏ gần to...).

Cụ thể, rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi tới Wiki Nhiếp ảnh như: ống kính 35f1.8 trên crop có tương đương ống kính 50f1.8 trên fullframe hay không? Câu trả lời là KHÔNG HOÀN TOÀN. Chúng tương đương về góc ngắm, nhưng không tương đương về độ sâu trường ảnh, tức hiệu ứng xóa phông. Bởi đơn giản ở đây, góc hình trên cảm biến crop đã được cắt cúp bớt khi ống kính cho ảnh trên mặt phẳng cảm biến. Thực tế chụp bởi ống kính 35f1.8 trên crop có cùng độ sâu trường ảnh với 35f1.8 trên fullframe, nhưng có góc nhìn hẹp tương đương tiêu cự 56mm (hệ máy Canon, hệ số crop 1.6).
Để tiện lợi, bạn có thể tra cứu bảng quy đổi trên.

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về máy ảnh Full Frame và máy ảnh Crop tại đây: FULL FRAME VÀ CROP LÀ GÌ? CHỌN MÁY NÀO CHO NHU CẦU BẢN THÂN.



6. Ống kính máy ảnh

Ống kính máy ảnh (tiếng Anh: lens) là một bộ phận vô cùng quan trọng của máy ảnh. Ánh sáng từ chủ thể phải đi qua ống kính trước khi tới bề mặt  cảm biến để tạo nên hình ảnh. Chất lượng ánh sáng và lượng sáng qua ống kính sẽ quyết định đến chất lượng của hình ảnh. Vì thế, ống kính là bộ phận rất đáng đầu tư, căn cứ trên câu trả lời cho "bạn muốn chụp cái gì" đã nếu ở mục 2, phần 1. Thế giới lens vô cùng đa dạng, Wiki Nhiếp ảnh sẽ trình bày tường tận để bạn đọc nắm rõ, từ đó chọn sắm cho mình một bộ gear phù hợp.

Phân loại ống kính máy ảnh theo tiêu cự:
- Ống kính siêu rộng (super wide) có tiêu cự <24mm, thường dùng chụp phong cảnh.
- Ống kính góc rộng (wide) có tiêu cự từ 24mm - 35mm, thường dùng chụp phong cảnh, đường phố.
- Ống kính trung bình (normal) có tiêu cự từ 35mm - 50mm, thường dùng chụp đường phố, chân dung.
- Ống kính xa (tele) có tiêu cự >50mm, thường chụp chân dung, động vật hoang dã, thể thao,...

Phân loại ống kính theo mục đích sử dụng:
- Ống Kit
- Ống Prime (Fix)
- Ống Zoom
- Ống Cận cảnh (Macro)
- Ống Mắt cá (Fish-eye)
- Ống Tilf-shilf

Lens Kit

Chữ Kit đã cho ta hiểu rằng đây là loại lens được bán kèm với body máy. Lens Kit có thể là lens một tiêu cự (lens Prime) hay lens thay đổi tiêu cự (lens Zoom), nhưng thường là lens Zoom để phục vụ đa dụng. Chất lượng hình ảnh cho bởi lens Kit đạt mức trung bình. Tuy nhiên lens Kit của dòng mirrorless như Fujifilm hay Sony cho hình ảnh ở mức khá tốt!
Lens Kit của các hãng phổ thông hiện nay

Lens Prime hay lens Fix

Là loại lens không thay đổi được tiêu cự. Người chụp muốn chọn khung hình thì phải di chuyển bằng chân, nên người ta hay gọi vui là lens zoom bằng chân. Lens Fix có số thấu kính ít, dẫn đến ít quang sai, cho ánh sáng vào cảm biến được đầy đủ và chất lượng. Hình chụp bởi lens fix thường có chất lượng cao khi sử dụng đúng cách.
Lens fix các hãng phổ thông
Lens fix các hãng phổ thông

Lens Zoom

Là loại lens có thể thay đổi tiêu cự, nhằm mục đích đa dụng. Một chiếc lens zoom như Canon 24-105 f4 dường như có thể chụp ở 80% nhu cầu chụp ảnh phổ thông, từ phong cảnh tới chân dung với chất lượng hình ảnh tốt. Lens Zoom có từ phân khúc thấp như điển hình như18-55f3.5-5.6 tới phân khúc cao điển hình như 70-200f2.8.

Lens Cận cảnh Macro

Là loại lens cho phép lấy nét rất gần, từ vài cm tới vài mm. Lens macro giúp phóng to các chủ thể nhỏ mà mắt thường khó quan sát được như: côn trùng, nhụy hoa,... Các lens thông thường khác chỉ có khoảng lấy nét gần nhất là khoảng 20cm, không thể chụp phóng lớn như lens macro.

Lens Macro Canon 50f2.5

Lens Mắt cá Fish-eye

Giống như cái tên, Lens fish-eye cho góc nhìn cảnh vật như mắt loài cá. Lens tạo hiệu ứng kéo gần những đối tượng nằm giữa khung hình và bẻ cong những đối tượng nằm ở viền khung hình. Lens cho các hình ảnh độc đáo, lạ mắt, tuy nhiên khá khó làm chủ để có được một tấm hình đẹp. Đòi hỏi người sử dụng phải có nhiều kinh nghiệm.

Lens fish-eye của Canon và Nikon

Lens Tilf-shilf

Cái tên tilt-shift là chỉ kĩ thuật dịch chuyển hoặc nghiêng ống kính (chuyên dụng) để tạo ra những bức ảnh mà chủ thể trong ảnh có kích thước trông nhỏ hơn so với thực tế. Từ tilt-shift nhắc đến hai cách dịch chuyển khác nhau: tilt có nghĩa là quay (nghiêng) ống kính và shift là dịch chuyển ống kính song song với mặt phẳng của ảnh. Việc quay ống kính giúp bạn điều khiển được mặt phẳng tiêu diện (plane of focus (PoF)) tạo hiệu ứng chỉ làm rõ một phần của bức ảnh, cụ thể là ảnh chỉ sắc nét ở bề ngang giữa ảnh và bị mờ hai vùng trên và dưới. Lens tilt-shift thường mắc tiền, nên ít người sử dụng. Chúng ta vẫn có thể tạo ra hiệu ứng tilt-shift nhờ Photoshop.

Các loại lens tilf-shilf của Canon




7. Thiết bị nhiếp ảnh

Đèn flash cóc

Là loại đèn gắn liền thân máy trên một số dòng thấp đến bán chuyên của các hãng máy ảnh. Đèn này hỗ trợ ánh sáng trong một số điều kiện chụp thiếu sáng nhất định. Tuy nhiên, bóng đèn nhỏ, cường độ flash không đủ lớn, tầm sáng không đủ xa, và góc flash thường bị cố định (đánh về phía trước) nên chất lượng hình ảnh khi dùng flash cóc là không cao. Một số dòng mirrorless sau này có cho phép tùy biến góc flash để chụp bound từ trên trần xuống thay vì đánh thẳng về phía trước, cho ánh sáng mềm hơn và góc sáng đẹp hơn, nhưng vẫn không thể nào so sánh được với đèn speedlight.
Đèn flash cóc được gắn sẵn trên máy

Đèn flash speedlight

Đèn speedlight có ba tác dụng chính:
- Hỗ trợ chụp trong môi trường thiếu sáng như: sân khấu, phòng tối, ban đêm.
- Tạo một nguồn sáng thứ cấp nhằm mang lại một số hiệu ứng đẹp mắt cho hình chụp chân dung: tạo catch-eye cho mắt, tạo ven sáng trên tóc, trên da.
- Đóng băng chuyển động, tạo vệt chuyển động dựa trên nguyên tắc đánh sáng và tốc độ màn trập. (Nội dung này Wiki Nhiếp ảnh sẽ trình bày chi tiết trong một bài viết khác, có tựa đề: Hướng dẫn sử dụng đèn Speedlight).
Như vậy bạn đã biết khi nào thì nên dùng đèn speedlight rồi đấy.

Đèn Phottix Juno dành cho tất cả loại máy ảnh

Đèn chiếu sáng liên tục

Loại đèn này hỗ trợ bổ sung sáng, cùng là nguồn sáng chính hoặc thứ cấp. Đặc biệt hỗ trợ lấy nét cho máy ảnh bởi ánh sáng được chiếu liên tục thay vì chớp sáng như speedlight.
Đèn chiếu sáng liên tục dùng cho cả nhiếp ảnh và quay phim

Báng cầm grip

Grip là một loại thiết bị nối thêm bổ trợ cho body máy ảnh, có hình dạng giống với báng cầm sẵn có. Với grip nối thêm này, máy ảnh sẽ có kích thước lớn và trọng lượng lớn hơn. Trên grip có thiết kế nút chụp, bánh xe đa dụng, và một số nút chức năng khác.
Tác dụng của grip:
- Tăng thời lượng sử dụng máy ảnh. Bởi trong báng cầm được thiết kế để chứa thêm từ 1 đến 2 cục pin. Từ đó bạn có thể chụp lâu hơn mà không cần lo thay pin.
- Cầm vừa tay, giúp ổn định hình ảnh. Đặc biệt là với các máy mirrorless thường có báng cầm nhỏ.
- Nâng cao chất lượng ảnh nhờ tư thế cầm máy không phải thay đổi giữa cầm ngang và cầm dọc máy.
Grip cho máy ảnh Canon 750D. Phần mờ là máy. Phần đậm là grip

Tủ chống ẩm

Khi thú chơi nhiếp ảnh đi vào đam mê, thì những chiếc máy ảnh và ống kính ngày một nhiều hơn. Người chơi ảnh cũng không kịp nhận ra rằng mình lại có cái "máu" chinh phục nhiếp ảnh lớn đến thế. Trọn bộ "đồ chơi" nhiếp ảnh lúc này có thể lên đến hàng trăm triệu. Lúc này, chúng ta sẽ có một kẻ thù chung rất đáng sợ cho bộ thiết bị của mình - đó chính là nấm mốc. Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, dễ là môi trường cho nấm mốc phát triển, đặc biệt là khu vực thấu kính của lens và cảm biến, gương lật máy ảnh. Phần body gặp nấm thì dễ dàng vệ sinh, nhưng các thấu kính của lens mà gặp nấm mốc thì quả thực là phiền phức. Lúc này chúng ta cần đến tủ chống ẩm.
Tủ chống ẩm chứa các thiết bị máy ảnh
Tủ chống ẩm là một tủ kín, thường được chế tạo bằng tone, sơn tĩnh điện. Cánh cửa tủ thường có mặt bằng kính và có thể có thêm ổ khóa bảo vệ, các cạnh mép cánh cửa có gioăng cao su để tăng độ kín khi đóng tủ. Bên trong tủ có bộ phận hút ẩm, đèn báo trạng thái hoạt động, đồng hồ đo độ ẩm (ẩm kế), đồng hồ đo nhiệt độ (tùy loại) và núm điều chỉnh thông số. Ngoài ra tủ chống ẩm thường dùng các khay (dạng kéo) để chứa đồ. Do sử dụng điện để vận hành nên tủ chống ẩm thường để cố định một vị trí.

Máy tính hậu kỳ

Chụp ảnh đẹp là một chuyện, hậu kỳ cũng là một khâu vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh. Ngày nay các phần mềm biên tập ảnh nổi tiếng như Photoshop, Camera Raw, Lightroom hỗ trợ hết sức đắc lực, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một hệ thống máy tính tốt để đáp ứng. Tiêu chí chọn máy tính hậu kỳ chủ yếu dựa trên 2 yếu tố chính:
- Cấu hình đủ mạnh
Trung bình để chạy tốt 3 phần mềm trên ta cần đến cấu hình sơ bộ: Chip Core i7, tốc độ 2,7GHz, 16GB RAM. Điển hình có thể sử dụng laptop MacBook Pro Retina 15 inch, Dell XPS 15, Vaio Pro 13, Alienware 17 hay các máy workstation với cấu hình mạnh mẽ mới ra đời gần đây.
- Màn hình cho màu sắc trung thực
Đa số các màn hình laptop cũng như các máy bàn hiện nay đều có tỷ lệ sai lệch màu sắc hiển thị trên các màn hình khác nhau, và sai khác giữa màu màn hình với màu ảnh in thực tế. Đây là vấn đề của phần cứng khi sản xuất các thiết bị.
Ví dụ, cùng là màu xanh, nhưng màn hình này rực hơn màn hình khác, hoặc nhạt hơn bản in ra. Dẫn đến ý đồ về màu sắc của tác giả muốn thể hiện bị sai lệch.
spyder cân chỉnh màn hình
Spyder cân màu màn hình
Để khắc phục ta cần cân chỉnh màu lại cho các màn hình hiển thị, từ đó công tác hậu kỳ được thực hiện chính xác hơn, từ đó có được sản phẩm thực tế ưng ý hơn. Để cân chỉnh ta cần đến 1 con bọ spyder như hình bên trên, spyder sẽ sắp xếp lại các pixel màu của màn hình rồi cân đối với bộ mã màu trong bộ nhớ của spyder. Mức độ cân đối đạt hiệu quả cao khi màn hình có chất lượng tốt với tỷ lệ phủ màu đạt trên 95% dải sRGB.
Ví dụ, màn hình Apple như iMac, Macbook Pro Retina cho độ phủ màu sRGB có thể lên tới 99%. Do đó hình ảnh màu sắc đạt độ trung thực rất cao. Đây là một thiết bị tốt để phục vụ cho hậu kỳ nhiếp ảnh.





8. Phụ kiện ngành ảnh

Ngàm chuyển

Ngàm ống kính là bộ phận liên kết giữa ống kính và body máy ảnh. Ngàm mỗi hãng có cấu tạo khác nhau và có khoảng cách từ ngàm tới cảm biến là khác nhau, do đó không thể dùng thay thế cho nhau được.
Ngàm chuyển là một bộ phần nhằm giải quyết việc sử dụng ống kính cũ (của các hệ máy ra đời trước) cho body máy mirrorless mới ra đời sau này. Ví dụ máy Sony a7 có thể sử dụng lens Canon 24-70f4 thông qua ngàm chuyển Commlite EF-Nex, hoặc sử dụng các ống kính máy phim qua Ngàm M4/3-NEX với chế độ manual focus (lấy nét bằng tay).
Máy Sony a6000 sử dụng ống kính Canon 50f1.8 qua ngàm chuyển Commlite

Kính lọc filter

Là một hay nhiều lớp kính gắn trước ống kính, có tác dụng xử lý ánh sáng và bảo vệ ống kính. Có rất nhiều loại kính lọc áp dụng trong nhiếp ảnh đang thịnh hành trên thế giới, tuy nhiên Wiki chỉ muốn đề cập đế 4 loại chính được sử dụng phổ biến hiện nay, đó là:
Kính lọc UV
UV filter có tác dụng cản tia UV đi vào ống kính đồng thời bảo vệ ống kính khỏi bị trầy xước lớp thấu kính ngoài cùng của ống kính. Tác động xấu của tia UV là gây ra tình trạng mù cho ảnh. UV filter sẽ giúp sử lý điều đó.
Filter UV của hãng Zeiss có lớp T* tráng phủ giúp tăng độ truyền dẫn ánh sáng đi vào ống kính
Kính lọc CPL
Kính lọc phân cực CPL (viết tắt của Circular Polarizing Filter) là một thiết bị lọc phù hợp với những bức ảnh phong cảnh, nhất là vào những ngày nắng. Nó giúp màu trời trong ảnh sâu hơn, đẹp hơn, đồng thời ngăn không cho những tia sáng ở hướng khác đi vào tấm ảnh. Mặt nước, tấm kính khi vào hình thường bị phản xạ ánh sáng gây rối cho ảnh chụp. CPL filter sẽ giúp sử lý điều này.
CPL filter giúp chụp rõ nét hơn cảnh vật dưới mặt nước, nhờ bỏ đi ánh sáng phản xạ
Kính lọc ND
ND filter (viết tắt của Neutral Density) là một loại kính lọc giúp làm giảm lượng sáng đi vào ống kính. Từ đó thực hiện được ý đồ của người chụp như: phơi sáng ban ngày (xem thêm chụp phơi sáng là gì) tạo hiệu ứng mềm chuyển động, mở khẩu lớn để chụp xóa phông,...
ND filter với các stop phơi sáng khác nhau
Kính lọc GND
GND filter (Graduated Neutral Density) có cấu tạo 1 nửa là UV filter, 1 nửa là ND filter. Với cấu tạo này GND filter giúp cân bằng ánh sáng giữa vùng quá sáng và vùng quá tối như trời và đất ban ngày, bên ngoài nắng và bên trong bóng râm. Thường GND được dùng để chụp phong cảnh tạo mây trời xanh trong, không bị chói.
GND filter có nửa trên tối, giúp giảm sáng phía trên đường chân trời

Chân máy tripod

Tripod là bộ phận đỡ máy ảnh có dạng 3 chân, có tác dụng:
- Giữ máy ảnh cố định, tránh rung lắc. Đặc biệt là trong chụp tốc độ màn trập chậm như chụp phơi sáng.
- Hỗ trợ rảnh tay cầm máy để chụp tự sướng. Thường dùng để chụp nhóm, chụp gia đình.
- Tạo mặt phẳng xoay cho máy ảnh ở cao độ nhất định. Thường dùng cho quay clip hoặc chụp lia máy.
Dàn chân máy sắc màu Mefoto
Chọn lựa chân máy cần chú trọng tới các yếu tố:
- Độ cao tối đa của tripod khi duỗi ra.
- Tải trọng tối đa có thể chịu của tripod
- Trọng lượng tripod
- Độ vững vàng của liên kết co ruỗi chân

Thẻ nhớ

Ngày nay, máy ảnh hầu hết được trang bị công nghệ full HD và 4K và khả năng chụp liên tiếp continous shooting cao, do đó đòi hỏi thẻ nhớ không những dung lượng lớn mà còn phải có tốc độ đọc/ghi tương ứng. 
Có 3 nhóm thẻ nhớ sử dụng phổ biến hiện nay:
Thẻ SD, miniSD, microSD
Là loại thẻ có giá thành thấp và chất lượng tốt, nó phổ biến đến mức hầu hết các máy ảnh số đều có khe cắm cho thẻ SD. Các thẻ miniSD và microSD được sử dụng thông qua adapter.

Các thông số ghi trên thẻ SD

Thẻ CF, CFast
Là loại thẻ lưu trữ chất lượng cao, được ưa chuộng sử dụng trong các dòng máy cao cấp của Canon, Nikon. Một số dòng máy còn cho phép sử dụng đồng thời cả CF và SD cùng lúc.
Thẻ CF dùng cho các dòng máy cao cấp của Canon và Nikon

Thẻ XQD
Hiện nay chỉ có một số máy quay và máy ảnh chuyên nghiệp có khe cắm thẻ XQD như máy quay PXW-Z100 của Sony hay series máy DSLR D4, D4s, D5 và D500 của Nikon. Sony đã tuyên bố tất cả các thiết bị ghi hình truyền thông của hãng sẽ được trang bị khe đọc XQD và đây sẽ là định dạng thay thế SD trong tương lai.
Thẻ XQD chất lượng cao

Tấm hắt sáng reflextor

Nhiếp ảnh là một cuộc chơi với ánh sáng. Reflextor sẽ giúp cuộc chơi ấy thú vị và dễ dàng hơn. Hắt sáng giúp đổi chiều ánh sáng, làm giảm độ tương phản sáng tối giữa mẫu và hậu cảnh khi chụp chân dung. Gương mặt mẫu sẽ sáng hơn, nổi bật đẹp mắt hơn.
Sử dụng tấm hắt sáng trong chụp ảnh chân dung ngoại cảnh

Phụ kiện phòng chụp

Phòng chụp gia đình hay studio chuyên nghiệp thường có rất nhiều "đồ chơi". Nhiếp ảnh rất mênh mông các phụ kiện. Mỗi thứ đều cần sự tỉ mỉ, am hiểu và cẩn trọng trong quá trình sử dụng để có được một chất lượng ảnh tuyệt vời. Nó bắt đầu từ: máy ảnh, ống kính, phông nền, ánh sáng tự nhiên (cửa sổ), ánh sáng nhân tạo (speedlight, spotlight), các phương tiện đồng bộ, giá đỡ, chân máy, máy tính. Wiki giới thiệu sơ bộ các thiết bị như trên, chi tiết các bạn đọc tiếp ở các bài viết sau.
Phòng chụp chuyên nghiệp




PHẦN 3 - CÁC KHÁI NIỆM, THÔNG SỐ NHIẾP ẢNH CƠ BẢN

Các khái niệm thông số nhiếp ảnh sau đây là nền tảng vô cùng quan trọng để bạn có những bước tiến xa hơn. Hãy tập trung và thực hành, đặt câu hỏi để tường tận về các kiến thức này. Tranh luận với bạn bè, thầy giáo là cách để bạn nhớ lâu và hiểu rõ.


9. Tiêu cự là gì

Trên bất kỳ ống kính nào cũng đều ghi thông số quan trọng nhất: tiêu cự ống kính. Ví dụ như Nikon 18-55mm nghĩa là lens đó có tiêu cự trải dài từ 18 tới 55mm. Tiêu cự là khoảng cách từ trọng tâm ống kính tới cảm biến máy ảnh, tính bằng milimet (mm). Tiếng anh là Focal Length. Ký hiệu là số kèm đơn vị mm.
Góc nhìn và tiêu cự
Tiêu cự càng lớn thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn, tức là cho phép ta chụp đối tượng càng xa. Tiêu cự tỷ lệ nghịch với góc nhìn. Tiêu cự nhỏ góc nhìn rộng, tiêu cự lớn góc nhìn hẹp. Tuy nhiên, cùng một giá trị tiêu cự, góc nhìn trên máy fullframe rộng hơn trên máy crop và fourthirth do cảm biến các loại này nhỏ hơn, hình ảnh bị cắt cúp tương ứng với tỉ lệ kích thước cảm biến. Do đó, lấy góc nhìn tương ứng với tiêu cự trên máy fullframe làm chuẩn, góc nhìn của các giá trị ghi trên ống kính dành cho máy không phải fullframe cần quy đổi với hệ số crop tương ứng (đã trình bày phần Máy ảnh, Mục 5, Phần 2).

Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về máy ảnh Full Frame và máy ảnh Crop tại đây: FULL FRAME VÀ CROP LÀ GÌ? CHỌN MÁY NÀO CHO NHU CẦU BẢN THÂN.

Ví dụ: ống kính có tiêu cự 16mm khi gắn trên máy Sony APS-C sẽ tương đương với tiêu cự 16mm x 1.5 = 24mm trên máy Sony Full Frame.

Tiêu cự (focal length) ở các mức khác nhau cho góc nhìn khác nhau và độ phóng đại khác nhau
Nhìn hình trên, ta có thể thấy tiêu cự càng lớn cho độ khuếch đại càng lớn và hậu cảnh càng mờ, tức độ sâu trường ảnh DOF càng mỏng. Tức là, tiêu cự tỉ lệ nghịch với DOF. Các ảnh hưởng của tiêu cự tới độ sâu trường ảnh xem thêm chi tiết chuyên sâu tại bài viết: TIÊU CỰ VÀ CÁC HIỆU ỨNG CỦA TIÊU CỰ.




10. Khẩu độ là gì

Một bộ phận trên ống kính có khả năng mở to thu nhỏ để kiểm soát lượng sáng đi vào máy ảnh được gọi là các lá khẩu. Khẩu độ là độ mở lớn nhỏ của các lá khẩu. Khẩu độ ảnh hưởng tới độ sáng của hình ảnh và độ sâu trường ảnh.

Các lá khẩu xếp cạnh nhau để lại một lỗ lọt sáng bên trong ống kính
Khẩu độ được đo bằng tỷ lệ giữa tiêu cự và đường kính lỗ mở. Thang đo là 1 stop phơi sáng, 1/2 stop phơi sáng hay 1/3 stop phơi sáng. Đó là f/số: f/1.4 – f/2 – f/2.8 – f/4 – f/5.6 – f/8 – f/11 – f/16 – f/22 – f32. Mỗi một f-stop sẽ tăng gấp đôi hoặc giảm phân nửa độ mở của ống kính (tương đương với lượng ánh sáng nhận được). Khẩu độ mở càng lớn (tức trị số f/số nhỏ, ví dụ f/2) thì độ sáng càng lớn và độ sâu trường ảnh DOF càng mỏng, và ngược lại.

Ảnh hưởng khẩu độ tới DOF
Nếu bạn chưa đọc bài viết chi tiết về khẩu độ thì có thể xem thêm tại đây: KHẨU ĐỘ VÀ SỰ QUYẾT ĐỊNH TỚI CHẤT LƯỢNG ẢNH CHỤP.





11. Độ nhạy sáng ISO là gì

ISO là mức độ nhạy sáng của cảm biến máy ảnh. ISO có các trị số là ISO 100, 200, 400, 800,... 25.600 hoặc cao hơn. Cứ gia tăng một trị số là nhạy sáng tăng gấp đôi, tức tăng lên 1 stop phơi sáng. ISO ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hình. ISO càng tăng cao hình càng nhiều nhiễu hạt (noise). Do đó cần cân nhắc lựa chọn trị số phù hợp với mục đích chụp. Có thể cân đối 3 yếu tố trong tam giác phơi sáng (ISO, tốc độ màn trập và khẩu độ) để có được độ phơi sáng đúng mà không cần đẩy ISO lên cao để giữ chất lượng hình ảnh.
Xem thêm chi tiết trong bài: ĐỘ NHẠY SÁNG ISO LÀ GÌ.

ISO là gì
Hình bị bệt và xuất hiện Noise ở ISO 25600




12. Màn trập và tốc độ màn trập

Màn trập máy ảnh là một thành phần có tác dụng điều chỉnh thời lượng phơi sáng của cảm biến máy ảnh. Khi ta nhấn nút chụp, màn trập che ngay trước cảm biến sẽ mở ra, để lộ cảm biến để thu nhận ánh sáng. Khoảng thời gian phơi sáng đó gọi là tốc độ màn trập, tính bằng giây (s).
Ảnh hưởng của tốc độ màn trập tới kết quả ảnh chụp
Ảnh hưởng của tốc độ màn trập tới kết quả ảnh chụp
Tốc độ màn trập thông thường cho sinh hoạt hàng ngày là 1/40s - 1/250s, cho chuyển động thể thao là 1/300s - 1/1000s và nhanh hơn thế nữa. Làm chủ tốc độ màn trập ảnh hưởng giúp ta làm chủ được độ sáng của ảnh, chụp đóng băng chủ thể đang chuyển động, chụp panning lia máychụp phơi sáng.
Chi tiết xin vui lòng xem thêm trong bài: TỐC ĐỘ MÀN TRẬP VÀ ỨNG DỤNG TRONG NHIẾP ẢNH.

Chụp phơi sáng với tốc độ màn trập 1/2s cho mềm chuyển động của xe buýt phía sau ông cụ đang ngồi yên. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà.





13. Độ sâu trường ảnh DOF

DOF (Depth Of Field) là khoảng không gian phía trước ống kính cho ảnh rõ nét trên cảm biến máy ảnh. Muốn chụp chủ thể nào, ta cần lấy nét chủ để đó, tức đưa chủ thể nằm trong DOF. Chất lượng bức hình và mức độ thực hiện ý đồ tác giả phụ thuộc rất nhiều vào DOF. Ta cần làm chủ yếu tố này mới thực hiện được các mục đích nhiếp ảnh cơ bản như: chụp chân dung, chụp phong cảnh hay chụp đường phố.
Các yếu tố trực tiếp tác động tới độ sâu trường ảnh DOF là: tiêu cự ống kính, khẩu độ và khoảng cách từ máy tới chủ thể. Xem chi tiết tại: LÀM CHỦ ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH TRONG 1 PHÚT.

DOF là khoảng nét phía trước ống kính. Ngoài khoảng nét này, phía trước hay phía sau đều bị mờ nét, hay gọi là out nét.
Ảnh chụp chân dung với DOF mỏng, xóa mờ phông nền, làm nổi bật chủ thể. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà.





14. Các loại ánh sáng

Nhiếp ảnh vốn là cuộc chơi với ánh sáng. Do đó hiểu biết về ánh sáng là gốc lõi để tạo nên một bức ảnh đẹp. Ánh sáng giúp cho mọi thứ rõ nét hay mờ ảo, trong sáng hay bí ẩn. Ánh sáng có thể mang đến cảm xúc, biến những thử tưởng chừng bình thường và quen thuộc trở nên thú vị gợi tò mò. Ánh sáng có màu sắc, mang theo cái tâm hồn cho mọi thức đi qua. Làm chủ ánh sáng, là làm chủ sự tinh tế nhất trong nhiếp ảnh.

Phân loại ánh sáng theo nguồn gốc:

- Ánh sáng tự nhiên
Mặt trời lên khi bình mình, mặt trời lặn lúc hoàng hôn, ấy là khoảng khắc giàu cảm xúc nhất, là bản giao hưởng của màu sắc trời đất và nhịp sống. Tất cả nguồn sáng tự nhiên là đến từ mặt trời, số ít là từ trăng sao. Ánh sáng mặt trời thì có các đặc tính cần nắm: hướng sáng (hướng buổi trưa khác hướng buổi chiều), độ tương phản sáng (sáng mùa đông tản, sáng mùa hè gắt), màu ánh sáng (màu của khí quyển, màu của trời xanh).
- Ánh sáng nhân tạo
Đèn và các nguồn sáng nhân tạo là các nguồn sáng nhỏ dễ gây sự tương phản cao. Thông thường làm chủ đèn cần biết: vị trí đặt nguồn sáng (trước, sau, trên, dưới, trái, phải), cường độ sáng (mạnh, nhẹ), kích thước nguồn sáng (ánh sáng tản, ánh sáng gắt), màu ánh sáng (ám vàng, ám xanh, ám đỏ,...).
Các loại ánh sáng theo hướng sáng

Phân loại ánh sáng theo hướng:

- Ánh sáng thuận
Nguồn sáng ở phía sau lưng máy ảnh. Hướng sáng và hướng chụp trùng nhau. Ảnh thuận sáng có độ tương phản thấp. Bóng đổ phía sau. Ảnh ít nổi khối. Nhưng rõ nét chi tiết chủ thể nên được nhiều người sử dụng.
- Ánh sáng nghịch
Nguồn sáng ở phía trước ống kính và chủ thể. Hướng sáng ngược chiều hướng chụp. Bóng đổ về phía máy ảnh nên dễ mất chi tiết trong vùng tối này. Ảnh chụp ánh sáng ngược cho hình ảnh tương phản mạnh, giàu cảm xúc do sự nổi khối đẹp mắt. Tuy nhiên phải sử lý được chi tiết trong vùng tối, bằng cách:
      1. Dùng nguồn sáng thứ cấp chiếu vào vùng tối: đàn flash speedlight, đèn spotlight.
      2. Dùng phản sáng, tăng sáng vùng tối bởi ánh sáng phản xạ từ nguồn sáng chính.
      3. Chụp kỹ thuật HDR, bạn sẽ tìm hiểu chụp HDR là gì tại mục 23 của Phần 3 này.
      4. Cứu sáng bằng hậu kỳ, tuy nhiên cứu sáng kiểu này màu thường bị bệt, chi tiết kém sắc nét.
- Ánh sáng xiên
Nguồn sáng thuận chiều, nhưng xiên một góc so với hướng chụp. Chụp ánh sáng xiên cho bóng đổ và cũng tạo tương phản cao. Chủ thể có nửa sáng nửa tối nên nổi khối đẹp mắt. Ánh sáng xiên dễ chụp vào hoàng hôn và bình minh.
Thông thường để có sự làm chủ cao nhất ánh sáng nhằm đạt chất lượng hình tuyệt đối, ta kết hợp nguồn sáng tự nhiên và nguồn sáng nhân tạo. Hiệu ứng bóng đổ, mảng sáng, mảng tối, ven sáng,... xuất hiện cho hình ảnh thu hút người xem.
Chụp ảnh ngược sáng. Ảnh Đỗ Khánh Hòa.





15. Các mode chụp (chế độ chụp) trên máy ảnh

Mode chụp trên máy ảnh là các chế độ quy định cho máy ảnh tùy vào mục đích và hoàn cảnh chụp. Thường thể hiện trên bánh xe vòng xoay trên máy ảnh. Các máy ảnh số như DSLR chuyên nghiệp ưu tiên nhiều hơn cho các chế độ cho phép sự can thiệp của người chụp. Các máy ảnh số tầm trung hay bán chuyên thì kết hợp giữa các chế độ tự động và một phần can thiệp cho người dùng. Các máy ảnh du lịch phổ thông, điện thoại ... thì ưu tiên cho các chế độ chụp tự động. Chúng ta cùng đi từ các máy tầm trung trở lên.

Các mode chụp tự động

Bánh xe lăn thường được ghi sẵn các ký hiệu sau:
Ký hiệu trên các bánh xe chế độ

Auto - Tự động hoàn toàn 
Máy sẽ tự động chọn tất cả thông số chụp, người dùng không can thiệp bất cứ thông số nào. Ký hiệu thường là hình chữ nhật màu xanh hoặc ghi rõ Auto trên nền xanh.​
Portrait - Chân dung
Máy ảnh sẽ mở khẩu độ lớn để làm mờ nhoè hậu cảnh (xoá phông). Một số máy hiện đại có thể tự động nhận diện khuôn mặt, lấy nét vào khuôn mặt và tính toán cân đối các thông số phù hợp để hậu cảnh mờ nổi bật chân dung.​
Landscape - Phong cảnh
Máy ảnh sẽ tự chọn các khẩu độ nhỏ để tăng chiều sâu cho vùng ảnh rõ nét (tạo DOF rộng).​
Macro - Cận cảnh
Máy ảnh sẽ không chế vùng canh nét ở khoảng cách rất gần. Máy ảnh có thể khép khẩu độ nhỏ để tăng chiều sâu vùng ảnh rõ nét cho vật thể được chụp.​
Sport - Thể thao
Máy ảnh sẽ tự động chọn các độ nhạy ISO cao, tốc độ màn trập nhanh để bắt dính các chuyển động hay động tác nào đó của chủ thể.​
Night Portrait - Chụp đêm
Máy ảnh sẽ chọn tốc độ màn trập chậm, kéo dài, đủ để ghi nhận tốt nhất chi tiết vùng hậu cảnh, thậm chí là đèn flash tự động bật và nháy khi bấm nút chụp. Thường thì đèn theo máy chỉ đủ rọi sáng các vật thể ở gần.​
OFF flash - Tắt flash
Không cho đèn flash hoạt động nháy sáng. Máy ảnh sẽ nâng độ nhạy ISO lên cao, chọn khẩu độ lớn nhất để có thể ghi nhận hình ảnh trong điều kiện nguồn sáng yếu.
Child - Chụp trẻ em
Chế độ này cho phép máy ảnh chụp liên tiếp thật nhanh nhiều khung ảnh. Người ta thường dùng chế độ này khi chụp các chuyển động nhanh khó đoán như trẻ em chơi đùa, chó mèo chạy, từ đó chọn ra một bức ảnh có động tác ưng ý nhất.​
Auto Depth of Field - Tự động ưu tiên DOF
Chế độ tự động trong máy canon, chế độ này ưu tiên việc khép khẩu nhỏ lại để đạt độ sâu trường ảnh như mong muốn.
Mode chụp trên máy ảnh tầm trung

Các mode chụp chuyên sâu

Mỗi hãng máy có ký hiệu khác nhau một chút, nhưng tổng quan lại có 4 mode chụp chuyên sâu: PASM. Các mode chụp cho phép người chụp tùy chỉnh một trong ba thông số thuộc tam giác phơi sáng  (ISO, tốc độ màn trập và khẩu độ), từ đó ảnh hưởng tới kết quả hình chụp.
P - Program
Nikon gọi là Program AE mode, Canon gọi là Program Shift. Với chế độ này, máy sẽ tự động thiết lập tốc độ màn trập và khẩu độ ống kính. Nhưng độ nhạy sáng ISO, bù trừ sáng và các thiết lập khác thì bạn tự thiết lập và kiểm soát. Bạn có thể để ISO thấp nhất để giảm độ nhiễu, và để chế độ P trong trường hợp chụp nhanh không cần phải suy nghĩ tính toán.​
A/Av - Aperture Priority
Đây là chế độ bán tự động cho phép bạn chủ động chọn khẩu độ (độ f của ống kính) theo ý muốn, và máy tự động chọn tốc độ màn trập cần thiết tương ứng với khẩu độ bạn chọn để đúng sáng. Chế độ này còn được gọi là “ưu tiên khẩu độ”. Ví dụ bạn muốn chụp khẩu độ f/2.8, bạn sẽ chủ động chỉnh khẩu f/2.8, tốc độ màn trập sẽ tự máy chọn với tình trạng ánh sáng hiện tại bạn chụp.​
S/Tv - Shutter Priority
Cả Nikon và Canon đều gọi là ưu tiên tốc độ màn trập, nhưng Nikon viết tắt là chữ S, Canon viết tắt là chữ Tv. Chế độ này ngược lại chế độ A / Av trên. Bạn chủ động chọn tốc độ màn trập và máy tự động chọn khẩu độ tương ứng cho đúng sáng. Thường chọn chế độ này khi người chụp muốn duy trì một tốc độ cao để tránh rung lắc và khẩu độ phó mặc cho máy tuỳ chọn tương ứng.​
M - Manual
Cả hai hãng Nikon và Canon đều viết tắt là M, nhưng Nikon gọi là Manual mode, Canon gọi là Metered Manual. Chế độ này hay gọi là chế độ chụp manual, chỉnh hoàn toàn bằng tay. Bạn sẽ tự chọn khẩu độ, tốc độ, Iso cho máy. Thêm nữa, chế độ phơi sáng Bulb chỉ hoạt động ở mode M (bấm máy và màn trập mở liên tục đến khi nào thả nút chụp thì màn trập mới đóng lại) dành cho các trường hợp phơi sáng trong thời gian trên 30s.​
Mode chụp trên các máy khác nhau




16. Stop phơi sáng và bù sáng EV

Stop phơi sáng là đại lượng chỉ một mức sáng của ảnh. Khi tăng hay giảm một stop có nghĩa là tăng gấp đôi hay giảm gấp đôi độ sáng của một tấm hình. Stop phơi sáng tăng giảm thông qua 3 đại lượng của tam giác phơi sáng: ISO, Khẩu độ và Tốc độ màn trập.
Một tấm ảnh ở các mức sáng khác nhau

Stop phơi sáng và ISO

Thang đo của ISO là 50, 100, 200, 400, 800,... cứ số sau gấp đôi số trước. Như vậy, nếu khẩu độ và tốc độ màn trập không đổi, ta tăng ISO một mức là lượng ánh sáng vào cảm biến tăng gấp đôi, tức tăng lên 1 stop. Có một số ISO ngoại lệ ở một số máy hiện đại có các mức ISO lẻ là 60, 80, 160, 320. Ta tạm hiểu đây là các mức trung gian, chia một stop thành các mức nhỏ hơn.
Các stop phơi sáng trên thang đo ISO

Stop phơi sáng và Khẩu độ

Khẩu độ có các mức tăng giảm là 1/3 stop. Ví dụ, từ khẩu f/2.8 đến khẩu f/4 là 1 stop. Ta chia nhỏ 1 stop này thành 3 phần, thì từng phần trung gian sẽ tương ứng với khẩu f/3.2 và f/3.5.
Các stop phơi sáng trên thang đo Khẩu độ

Stop phơi sáng và Tốc độ màn trập

Tốc độ màn trập được đo bằng khoảng thời gian lộ sáng của cảm biến. Thời gian này tính bằng giây (s). Do đó khi ta tăng tốc độ gấp đôi hay giảm gấp đôi, là tăng giảm 1 stop. Ví dụ, bạn đang chụp đường phố ở tốc độ 1/100s. Bạn phát hiện một chuyển động ngang qua và muốn chụp đóng băng chuyển động đó, bạn đổi sang tốc độ 1/200s. Điều này đồng nghĩa bạn đã giảm đi 1 stop ánh sáng.
Các stop phơi sáng trên thang đo Tốc độ màn trập

Bù sáng EV

Trong ví dụ trên, nếu chỉ thay đổi tốc độ màn trập từ 1/100s sang 1/200s mà không thay đổi 2 đại lượng Khẩu độ và ISO thì ảnh rõ ràng bị tối đi một nửa (giảm đi 1 stop). Do đó, để tăng tốc lên gấp đôi mà ảnh vẫn đúng sáng thì đồng thời khi đó khẩu độ phải mở lớn gấp đôi, hoặc ISO tăng gấp đôi bù lại stop bị giảm đi kia (thế nào là ảnh đúng sáng, mời bạn sang phần tiếp theo: 18 - chế độ đo sáng). Thao tác tăng gấp đôi hoặc giảm gấp đôi lương sáng này ta thực hiện thông qua đại lượng EV. Trên máy ảnh đều bánh xe tăng giảm EV với các mức 1/3 stop phơi sáng.
Bánh xe bù sáng trên máy ảnh Fujifilm




17. Biểu đồ ánh sáng Histogram

Histogram là một công cụ không thể thiếu trong việc xử lý ảnh hậu kỳ bằng các phần mềm chỉnh sửa ảnh. Độ sáng của một tấm hình được chia thành 5 vùng: Black, Shadow, Midtone, Highlight, White. Histogram là biểu đồ hiển thị phân bổ các pixel ảnh trên 5 vùng này.
Biểu đồ Histogram

Các kênh màu trong Histogram

Biểu đồ ánh sáng thường biểu diễn thông tin của 3 màu cơ bản trong hệ màu RGB (Red, Green, Blue) và thường được gọi là RGB Histogram. Các vùng biểu đồ màu đỏ, xanh dương và xanh lá đại diện cho các kênh màu tương ứng trong hệ màu RGB. Riêng phần biểu đồ màu xám là biểu đồ chung cho 3 kênh màu RGB. Các phần màu tím, màu vàng và màu lam dùng để biểu thị những vùng ảnh chồng lên nhau của 2 trong 3 màu gốc RGB.

Histograms và độ chi tiết ảnh chụp

Nếu biểu đồ dính sát vào cạnh trái là hình đang có những điểm ảnh bị tối đen - tức mất chi tiết trong vùng Black. Và nếu biểu đồ dính sát vào cạnh phải là hình đang bị cháy sáng ở một số điểm ảnh - tức mất chi tiết trong vùng White.

Histogram và độ phơi sáng

Thông thường một Histograms được cho là tốt có dạng hình núi, có đỉnh nằm trong vùng midtone, hai bên sườn núi thuộc các vùng còn lại, nhưng không chạm cạnh phải hay cạnh trái (tránh mất chi tiết). Cách hiểu này khá đúng khi chụp phong cảnh. Đối với một số thể loại nhiếp ảnh khác, cách hiểu này có phần hạn chế. Trong một số trường hợp biểu đồ dồn về bên trái tức vùng black và shadow, nhưng ảnh vẫn đẹp mắt bởi ý đồ tác giá muốn thế - trường phái lowkey (hình bên dưới). Tương tự một số trường hợp biểu đồ dồn về bên phải tức vùng highlight và white, và ảnh vẫn đẹp mắt bởi ý đồ tác giá muốn thế - trường phái highkey (hình bên dưới).

Ảnh lowkey (bên trái) và ảnh highkey (bên phải)
Ngày nay, Histogram được tích hợp sẵn trên phần lớn các máy ảnh DSLR, một vài mẫu máy ảnh compact và còn là một công cụ không thể thiếu trong các phần mềm hậu kỳ. Một số mẫu DSLR và mirrorless còn hỗ trợ hiển thị Histogram ở chế độ Live ngay trên màn hình LCD giúp người chụp chủ đụng với mức độ phơi sáng của ảnh chụp. Nếu thấy biểu đồ nghiêng về shadow nhiều tức thiếu sáng, thì có thể tăng giá trị phơi sáng EV lên +1/3 stop đến +2/3 stop hoặc hơn nữa. Ngược lại, nếu thấy biểu đồ nghiêng về highlight và white nhiều tức dư sáng, thì giảm EV -1/3 stop đến -2/3 stop cho ảnh hài hòa chi tiết các vùng.





18. Chế độ đo sáng

Thế nào là ảnh chụp đúng sáng?

Có 3 quan điểm tồn tại trong thực tế nhiếp ảnh về sự đúng sáng của một tấm hình
Quan điểm 1. Hình đúng sáng là hình chụp ra ảnh giống với mắt người thấy khung cảnh đó ngoài thực tế.
Quan điểm 2. Hình đúng sáng là hình chụp đúng ý đồ người chụp, muốn sáng rõ chi tiết hay tối mờ chi tiết chủ thể chụp theo trường phái sở thích bản thân. Không cần biết môi trường xung quanh là sáng chói hay tối đen tới mức nào.
Quan điểm 3. Hình đúng sáng là hình có độ sáng trải đều từ vùng Black tới vùng White của biểu đồ Histogram, có đỉnh nằm trong vùng midtone (xem chi tiết 5 vùng ánh sáng ở mục 17 - Biểu đồ Histogram).

Ảnh đúng sáng theo bạn là tấm nào?
Khi chụp ảnh, ta muốn một tấm hình đúng sáng với ý đồ của mình, như vậy quan điểm 2 có phần đúng nhất. Khi đó việc đo sáng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Việc sử dụng các chế độ đo sáng trên máy ảnh thực ra là căn cứ vào Quan điểm 3. Máy ảnh đo và cho kết quả đúng sáng dựa trên mức độ phân bố các pixel ảnh trên các vùng ánh sáng của biểu đồ Histogram, từ đó đưa ra các gợi ý cho các trị số ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập tương ứng.

Các chế độ đo sáng

Cụ thể trên máy Canon có các chế độ đo sáng sau (các hãng khác cũng tương tự):
Các chế độ đo sáng trên máy ảnh Canon
Chú ý rằng, điểm đo sáng khác với điểm lấy nét. Cần phân biệt cách sử dụng với loại điểm này. Điểm lấy nét có thể di chuyển, song điểm đo sáng luôn ở giữa khung hình.






19. Nhiệt độ màu

Vật lý phổ thông cho rằng, một nguồn sáng là các vật thể mang nhiệt phát ra các bức xạ, tương ứng với tần số sóng ánh sáng và bước sóng ánh sáng nhất định. mỗi bước sóng này tương ứng với một màu quang phổ mà mắt người có thể nhìn thấy. Mỗi màu của ánh sáng tương ứng với một nhiệt độ nguồn, ta gọi đó là nhiệt độ màu. Ví dụ ảnh chụp dưới ánh đèn tròn thì bị ám vàng, vì dây tóc bóng đèn làm bằng tunsten (wolfram) có nhiệt độ khi cháy sáng là 3200K (K là độ Kenvin, giống như độ C mà ta hay dùng hàng ngày nhưng thang đo khác, 1'C = 274'K)
Bảng nhiệt độ màu

Bảng nhiệt độ màu với một số nguồn sáng khác nhau:

1000K Ánh nến, đèn dầu.
2000K Rạng đông (sớm hơn Bình minh), đèn Wolfram.
2500K Bóng đèn sợi đốt.
3000K Ánh đèn trong phòng rửa ảnh.
4000K Đèn huỳnh quang.
5000K Ánh sáng ban ngày, đèn flash điện tử.
5500K Trời trong, mặt trời trên đỉnh đầu.
6000K Ánh nắng trong điều kiện không mây.
7000K Ánh nắng trong tình trạng trời mây.
8000K Trời nhiều mây.
9000K Bóng mát vào ngày trời trong.
10,000K Trời nhiều mây đen, chuyển mưa.
11,000K Trời xanh không có mặt trời.
20,000K Xế chiều, mặt trời khuất sau núi trong ngày đẹp trời.
Do đó khi chụp ảnh, ta cần biết mình đang chụp với nguồn sáng nào, từ đó có sự cân bằng tương ứng trên máy để màu diễn đạt trên hình được trung thực. Việc làm này được trình bày trong phần tiếp theo: 20 - Cân bằng trắng WB.
Màu ánh sáng tương ứng với các độ Kenvin




20. Cân bằng trắng White Balance (WB)

Như đã trình bày ở trên, ánh sáng có màu tùy thuộc vào nhiệt độ của nguồn sáng. Theo đó màu này sẽ nhuốm nên các chủ thể trong cuộc sống khi ta chụp hình. Mắt con người chúng ta có thể nhìn ra chính xác màu đúng của các đối tượng, song với máy ảnh thì điều này còn rất hạn chế. Do đó, ta phải giúp máy ảnh nhận thức thế nào là màu đúng, từ đó cho hình chụp đúng màu. Việc làm này gọi là cân bằng trắng White Balance.
Cân bằng trắng WB là gì
Màu ảnh thay đổi cùng các lựa chọn WB

Tại sao lại gọi là cân bằng trắng?

Màu trắng của ánh sáng về bản chất là màu tổng hợp của tất cả các ánh sáng trải dài từ đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Khi ta dịch chuyển màu trắng chụp trên máy ảnh về đúng màu trắng chuẩn, đồng nghĩa các màu khác cũng được dịch chuyển về đúng màu gốc của nó. Do đó, điều chỉnh màu được gọi tổng quát là Cân bằng trắng, tiếng anh là White Balance, viết tắt là WB.
Một số môi trường cân bằng trắng

Cách thực hiện WB

Có 5 cách thực hiện để cân bằng trắng:
Cách thứ nhất
Đưa máy ảnh về chế độ Auto White Balance. Ngày nay, các thuật toán mới ra đời giúp AWB thực hiện cân bằng trắng rất xuất sắc trong phần lớn môi trường chụp ảnh, đặc biệt là khi điều kiện ánh sáng tốt. Người mới chơi có thể luôn để mặc định ở chế độ này là yên tâm đi chụp hình với nhiều thể loại khác nhau.
Cách thứ hai
Đặt nhiệt độ màu cho ảnh Custom Color Temperature. Bạn ấn định chọn nhiệt độ màu để cân cho màu về chuẩn. Nhiệt độ cho phép chọn giao động từ 2500K - 9000K. Cách này đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ, nhưng có độ chính xác cao.
Cách thứ ba
Lựa chọn các môi trường chụp theo menu có sẵn: Custom Light Sources:
Bảng Custom Environment White Balance
Cách thứ tư
Sử dụng Custom White Balance cho phép bạn lấy mẫu cân bằng trắng từ ảnh chụp 1 màu xám chuẩn (Grey 18%) trong cùng điều kiện ánh sáng môi trường chụp sau đó sử dụng WB này cho các lần chụp tiếp theo. Màu xám chuẩn này có thể lấy từ 1 số pixel màu trung tính trên hình, hoặc dùng thẻ màu chuẩn greycard có bán sẵn trên thị trường.
Cách thứ năm
Chụp ảnh Raw, sau đó điều chỉnh cần bằng trắng bằng hậu kỳ trên phần mềm chuyên dụng. Cách này cho độ chính xác cao mà không làm hư hại gì cho ảnh chụp, đồng thời khi chụp cũng vững tâm, thoải mái vì không phải tính toán nhiều. Chụp Raw là gì, mời bạn xem mục 24 - Chụp Raw hay Jpeg của Phần nội dung này.




21. Chế độ lấy nét

Lấy nét là việc làm cơ bản của người cầm máy, song nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một tấm hình dù ánh sáng, bố cục, màu sắc hoàn hảo, nhưng chủ thể thiếu nét thì cũng bỏ đi. Trong nhiếp ảnh có 2 hình thức chính của việc lấy nét: lấy nét bằng tay (MF) và lấy nét tự động (AF). 

Lấy nét tự động Auto Focus (AF)

Với công nghệ máy ảnh phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc chụp với chế độ lấy nét Auto Focus (AF) dường như đã trở thành mặc định bởi tính hiệu quả và nhanh chóng bắt khoảnh khắc của nó. Số điểm lấy nét cực lớn, ví dụ như trên máy Sony A9 với 693 điểm lấy nét cho phép bắt trọn mọi chuyển động của vật thể - và khả năng theo nét liên tục khiến mọi khoảnh khắc đều được bắt trọn vẹn với độ nét chính xác cao.
One-shot AF hay Single-shot AF (AF-S)
Màn hình Single-shot AF
One-shot được sử dụng cho các đối tượng không di chuyển, chân dung, tĩnh vật, macro và chụp ảnh phong cảnh - tất cả các chủ thể bất động. Ví dụ hình ảnh trên, bạn chỉ cần chọn điểm lấy nét ngay mắt mẫu. Bấm nửa cò để lấy nét, khi tiếng kêu bíp phát ra báo hiệu đã đúng nét. Bạn khóa nét tại đó bằng cách tiếp tục giữ nửa cò chụp. Nếu muốn ghi hình thì nhấp nửa cò còn lại xuống và xoạch xoạch. Vậy là có được tấm hình đúng nét tại mắt chủ thể - vị trí điểm lấy nét.
One-shot được sử dụng phổ biến nhất so với 2 chế độ AF còn lại.

AI Servo AF hay Continous AF (AF-C)
Các điểm lấy nét phản ứng khi có chủ thể đi qua
Đây là chế độ lấy nét tự động được sử dụng để theo dõi và tập trung vào các đối tượng chuyển động, rất lý tưởng cho các môn thể thao và các nhiếp ảnh gia hành động. Nhấn nửa cò để các điểm lấy nét liên tục đo lấy nét nhưng không khóa nét. Khi bạn lia máy ảnh theo chủ thể chuyển động, máy tiếp tục căn nét và bạn có thể bấm chụp ở bất kỳ thời điểm nào. Độ phơi sáng được thiết lập tại thời điểm chụp ảnh.

AI Focus AF
Chế dộ AI Focus cho phép tự động chuyển giữa One-shot AF và AI Servo AF
Trong chế độ này, máy ảnh sẽ tự động chuyển giữa One-shot AF và chế độ AI Servo AF. Nếu đối tượng bất động nó sẽ giống như One-shot. Khi bỗng dưng đối tượng chuyển động, máy sẽ tự động chuyển qua AI Servo AF để theo nét linh hoạt.

Lấy nét bằng tay Manual Focus (MF)

Lấy nét bằng tay ngày trước được sử dụng phổ biến trên các máy cơ (máy phim) và vẫn được áp dụng phổ biến trên các máy Leica cho đến nay (máy Leica mặc định chỉ sử dụng lấy nét MF - trừ chiếc Leica Q có thêm AF).
Máy ảnh cao cấp Leica M10 sử dụng chế độ lấy nét tay MF và không có AF
Lấy nét tự động tiện dụng là thế, tuy nhiên trong quá trình đam mê với nhiếp ảnh, chắc chắn sẽ có lúc bạn cần đến lấy nét MF. Đó là các trường hợp sau:

Chụp Macro
Khi chụp các vật thể nhỏ như nhụy hoa, côn trùng,... việc sử dụng AF rất khó khăn bởi khoảng lấy nét quá nhỏ. Khi này ta thường chuyển sang chế độ MF, rồi lấy nét vào vật thể bằng cánh di chuyển tới lui máy ảnh trong một phạm vi nhỏ.

Chụp trong môi trường ánh sáng yếu
Khi ánh sáng không đủ để cảm biến đo khoảng cách lấy nét, đó là lúc AF vô tác dụng và nhường chỗ cho MF.

Chụp xuyên lưới hay xuyên kính
Nếu sử dụng AF, máy sẽ rất bối rối khi không biết nên chọn lấy nét vào lướt/kính hay chủ thể phía sau. Trường hợp này sẽ giải quyết nhanh gọn bằng MF.
Chụp xuyên kính dễ khiến AF bối rối, mà nên chuyển sang MF. Ảnh Internet

Chụp phong cảnh
Việc sử dụng MF trong chụp phong cảnh giúp bạn dễ dàng chọn được điểm lấy nét hoàn hảo. Điểm lấy nét hoàn hảo là điểm nét trước ống kính thỏa mãn 1/3 khoảng DOF trước nó và 2/3 DOF sau nó bao phủ chủ thể/cảnh cần nét. Thường đó là điểm lấy nét sao cho toàn bộ tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh đều nét.





22. Bố cục nhiếp ảnh

Bố cục trong nhiếp ảnh là sự chủ động lựa chọn một khung hình, góc nhìn đầy chủ ý về một cảnh chụp, để tạo ra một bức ảnh cảm xúc và đẹp mắt.
Bố cục 1/3 huyền thoại. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Các bố cục phổ biến trong nhiếp ảnh thường sử dụng là:

- Bố cục 1/3
- Bố cục đường hội tụ
- Bố cục đường dẫn hướng
- Bố cục đóng khung
- Bố cục tương phản
- Bố cục lấp đầy khung hình
- Bố cục pattern - hình mẫu lặp lại 
- Bố cục đối xứng
Các bố cục này được áp dụng cả trong chụp chân dung, phong cảnh, đường phố và rất nhiều thể loại nhiếp ảnh khác. Xem chi tiết chuyên sâu từng loại bố cục trong bài viết: BỐ CỤC NHIẾP ẢNH CHUYÊN NGHIỆP.
Bố cục đường hội tụ. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà





23. Ảnh HDR

HDR là viết tắt của High Dynamic Range. Đây là một kỹ thuật chụp nhằm tạo ra một tấm hình có dải tần nhạy sáng rộng. Dải tần nhạy sáng Dynamic Range là khả năng thể hiện chi tiết vật thể ở  giữa hai thái cực Đen tuyền và Trắng tinh. Dynamic Range càng rộng thì ảnh càng chi tiết, chuyển màu đẹp và chân thực sống động.
Chụp ảnh HDR giúp lấy đủ sáng cho cả bầu trời và chi tiết dưới mái lều. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Khi nào cần đến chụp ảnh HDR

Khi có sự chênh sáng - tối quá lớn, vượt quá Dynamic Range thông thường của máy. Ví dụ trời quá sáng và trong hiên nhà quá tối. Nếu chụp đúng sáng vào mái hiên thì ngoài trời cháy sáng. Nếu chụp đúng sáng cảnh ngoài trời thì mái hiên chỉ là mảng tối mất chi tiết.
Chụp HDR (bên phải) cho phép lấy đủ sáng cả trong mái hên và cảnh ngoài trời

Cách chụp HDR

Ảnh HDR được tạo ra bằng cách chụp ít nhất ba tấm ảnh giống nhau về khung hình, nhưng có độ phơi sáng cách nhau 1EV hoặc 2EV thậm chí 3EV. Hầu hết các máy ảnh số hiện nay đều có chế độ chụp này. Cảnh càng có độ tương phản lớn thì bạn càng cần phải chụp nhiều tấm hình ở các mức chênh sáng càng lớn. Một tấm ghi nhận chi tiết cảnh ở vùng tối, một tấm ghi nhận ở midtone và một tấm ghi nhận ở vùng sáng. Sau đó sử dụng phần mềm để kết hợp tất cả các bức ảnh vừa chụp nhằm tạo ra tác phẩm cuối cùng trông giống thật như khi bạn nhìn cảnh vật bằng mắt thường.
Các mức sáng của một khung hình
Xem chi tiết chuyên sâu tại bài viết: KỸ THUẬT CHỤP ẢNH HDR ĐỈNH CAO.





24. Chụp Raw hay Jpeg

Raw là một định dạng ảnh thô, ghi nhận toàn bộ thông tin ánh sáng đi vào cảm biến và chuyển trực tiếp lên thẻ nhớ mà không qua xử lý màu bởi chip máy ảnh. Còn Jpeg là một phương pháp nén ảnh, đồng thời là kết quả của quá trình sử lý màu, cân bằng trắng, độ sắc nét, độ tương phản,... rồi mới lưu trên thẻ nhớ.
Hiểu đơn giản ảnh Raw là một nguyên liệu thực phẩm chưa được chế biến, còn Jpeg là món ăn đã nấu chín, và có thể "ăn liền", tức có thể xem, chia sẻ, in ấn ở bất cứ đâu.
Chụp Raw và chụp Jpeg là 2 lựa chọn phổ biến trên máy ảnh

Nên chụp ảnh Raw hay Jpeg

Chúng ta nên chụp ảnh Raw khi:
- Khi môi trường ánh sáng chụp phức tạp, dẫn đến hệ thống cân bằng trắng làm việc không chính xác. Chụp ảnh Raw cho ta khả năng cân bằng trắng trên hậu kỳ rất linh hoạt.
- Khi chênh sáng tối quá lớn, khó ghi nhận chi tiết ảnh ở hai vùng shadow và highlight.
- Khi xác định cần hậu kỳ tỉ mỉ. 
- Khi cần in ấn phóng lớn hình chụp.
Nhưng không nên chụp Raw khi:
- Không rành và không có thời gian để hậu kỳ.
- Chụp chơi, lưu niệm, xem ảnh trên máy tính thỏa mãn với file Jpeg chụp được.
- File Raw thường có dung lượng lớn gấp đôi hay ba lần file Jpeg, nên nếu thẻ nhớ ít dung lượng thì không nên chụp.
File Raw bên trái và file Jpeg bên phải. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà
Xem chi tiết chuyên sâu tại bài viết: NGUYÊN LÝ TẠO ẢNH RAW LÀ GÌ.




PHẦN 4 - MỘT SỐ KỸ THUẬT CHỤP ẢNH

Sau đây là những kỹ thuật chụp ảnh được ưa chuộng phổ biến hiện nay. Những kỹ thuật này đã có phần nâng cao so với những kiến thức chụp ảnh thông thường. Hãy thực hành thật nhiều để trở thành bản năng. Nhiếp ảnh là không ngừng học hỏi và sáng tạo. Và quan trọng nhất, "trăm hay không bằng tay quen"!


25. Chụp ngược sáng

Phân loại ánh sáng theo hướng sáng, ta có ánh sáng thuận, ánh sáng nghịch và ánh sáng xiên. Trong đó ánh sáng nghịch, tức chụp ngược sáng mang lại hiệu quả thị giác tuyệt vời: độ tương phản cao, ảnh nổi khối và tạo các ven ánh sáng viền chủ thể đẹp mắt.
Chụp ngược sáng là gì
Phân loại ánh sáng theo hướng sáng

Phương pháp chụp ngược sáng

Có 4 phương pháp chính:
1. Chụp ngược sáng phong cách Silhouette (Si-lu-et) - tức chụp bóng của chủ thể
Chụp Silhouette áp dụng cho các cảnh cảm xúc đặc tả hoặc chân dung đường viền chủ thể. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà
2. Chụp ngược sáng với bù sáng bằng phụ kiện
Sử dụng tấm hắt sáng hoặc đèn chiếu bù sáng (speedlight hoặc spotlight) để làm rõ chi tiết phần tối của chủ thể quay về phía ống kính.
chụp ảnh ngược sáng đẹp 3
Dùng hắt sáng để làm rõ gương mặt mẫu. Ảnh Gia Cát Long
3. Chụp ảnh HDR
Phương pháp này hiệu quả khi chụp cảnh vật tĩnh. Đã nêu chi tiết ở mục 23 - Phần 3.

4. Đưa mẫu vào phần bóng râm để cho ánh sáng ngược bớt gắt, rôi xử lý hậu kỳ file Raw.
Hãy đảm bảo rằng các hiệu ứng trên mái tóc vẫn giữ lại được, đây là nét đặc trưng của chụp ảnh ngược sáng.

kỹ thuật chụp ảnh ngược sáng đẹp
Đưa chủ thể vào bóng râm để giảm bớt tương phản, mà vẫn giữ được ven sáng trên mái tóc. Ảnh Internet
Xem chi tiết chuyên sâu tại bài viết: KỸ THUẬT CHỤP ẢNH NGƯỢC SÁNG ĐẸP




26. Chụp phơi sáng

Là phương pháp chụp ảnh với tốc độ màn trập chậm, nhằm thu được ánh sáng nhiều hơn vào cảm biến mà không cần đẩy ISO lên cao, hoặc tạo ra các hiệu ứng đẹp mắt cho ảnh như vệt sáng kéo dài, làm mềm chuyển động, làm biến mất đối tượng chuyển động,...
Ảnh phơi sáng ban đêm. Vệt trắng đỏ trên đường chính là đèn của xe cộ đi lại. Ảnh Internet
Chụp phơi sáng đòi hỏi kiến thức sâu, làm chủ 3 yếu tố của tam giác phơi sáng: ISO, tốc độ màn trập và khẩu độ ống kính. Đồng thời thành thục trong việc sử dụng chân máy, filter, dây bấm mềm, remote điểu khiển.
chụp ảnh phơi sáng là gì
Chụp phơi sáng 320s, ISO 50, Khẩu độ F/13 cho nước biển phẳng lặng. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà
Xem chi tiết chuyên sâu tại bài viết: KỸ THUẬT CHỤP ẢNH PHƠI SÁNG DỄ THỰC HIỆN.




27. Chụp Panning lia máy

Là phương pháp chụp ảnh với tốc độ màn trập phù hợp với chuyển động của chủ thể, đồng thời kết hợp động tác dịch chuyển lia máy ảnh. Nhằm tạo ra một hình ảnh đúng nét chủ thể, nhưng xóa mờ phông nền bởi sự kết hợp các chuyển động.
Chụp Paning cho hậu cảnh mờ, làm nổi bật chủ thể. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà
Kỹ thuật chuyên sâu và các lưu ý để chụp lia máy chính xác xem tại bài viết: KỸ THUẬT CHỤP PANNING LIA MÁY CHÍNH XÁC.





28. Chụp ảnh macro

Macro là thể loại chụp ảnh phóng đại các chủ thể nhỏ với tỉ lệ phóng đại tối thiểu là 1:1. Nhiều khi có thể tới 25:1, tức phóng lớn gấp 25 lần. Chụp macro thường áp dụng cho các đối tượng hoa, côn trùng, hay các sản phẩm mỹ nghệ tinh sảo.
CHỤP ẢNH MACRO LÀ GÌ
Chụp ảnh macro chi tiết mắt của ruồi trâu. Ảnh Lê Anh Thế
Có một thể loại nữa, tương tự như macro, nhưng độ phóng đại thấp hơn đó là close-up. Đây là kỹ thuật chụp cận cảnh, nhờ thiết bị hỗ trợ để thu hẹp khoảng lấy nét tối thiểu. Thường áp dụng cho chụp hoa, cận cảnh hoạt động sinh vật nhỏ, chân dung cục bộ,...
Chụp macro chuồn chuồn. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà
Để chụp được ảnh có độ phóng đại cao, ta cần đến ống kính macro chuyên dụng. Các lens này được tối ưu hóa cho việc rút ngắn khoảng cách lấy nét tối thiểu và độ nét của ảnh vật thể trên cảm biến.
Tuy nhiên, trong những điều kiện không có ống kính chuyên dụng, ta có thể sử dụng các biên pháp khác để cho kết quả tương tự như: Đảo đầu ống kính, bổ sung extension tube, lắp kính phóng đại hoặc các filter close-up. Với các phương pháp này cho chất lượng ảnh thấp hơn sử dụng lens macro chuyên dụng.
Chuyên sâu về chụp ảnh macro và hướng dẫn chụp xem tại bài viết: CHỤP MACRO LÀ GÌ | KỸ THUẬT CHỤP ẢNH MACRO BÀI BẢN.





29. Chụp ảnh Panorama

Panorama là một dạng chụp ảnh view rộng bằng cách ghép nhiều tấm chụp liên tiếp kế nhau, trong khi máy ảnh xoay lia thành một đường cong để ghi hình tổng thể.
Ảnh panorama với góc nhìn cực rộng 135'. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Phương pháp chụng ảnh toàn cảnh Panorama

Có 2 phương pháp, đó là chụp Panorama Auto và chụp bằng tay
Chế độ Auto
Có sẵn trên các máy từ tầm trung trở lên. Ta chỉ cần quét máy một đường vòng cung là hình ảnh được chụp tự động nối với nhau thành một tấm hình duy nhất. Khi này nên sử dụng kết hợp với một chân đỡ tripod để quá trình lia máy được ổn định, phần mềm xử lý được chính xác.
chụp ảnh panorama là gì
Chụp Panorama bằng tay
Chế độ chụp Panorama bằng tay 
Các tấm hình chụp được ghép trên máy tính sau khi đã chụp xong. Các tấm rời này đòi hỏi phải có độ chồng trùng hình với nhau ít nhất 20% để đảm bảo kết quả ghép nối được smooth trơn tru.
Các bước thực hiện và lưu ý trong quá trình chụp Panorama xem chi tiết thêm trong bài:
KỸ THUẬT CHỤP PANORAMA TOÀN CẢNH.





30. Chụp ảnh đen trắng

Thế giới này bao la màu sắc và hình thái. Thường ta ngập chìm, trải nghiệm điều đó mỗi ngày cùng nhiếp ảnh. Tuy nhiên, đã khi nào bạn thử nghĩ, nếu bỏ đi hết màu sắc ấy, mà chuyển hóa chỉ còn 2 màu đen và trắng chưa?
Ảnh đen trắng là loại ảnh chỉ có 2 màu đen và trắng. Trong đó mức độ đậm nhạt của màu đen được biến thiên giữa ba vùng Shadow - Midtone - Highlight.
Ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia La Mo chụp tại phổ cổ Hà Nội

Ưu điểm của ảnh đen trắng

- Không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn sáng màu. Chụp phong cảnh không cần phải chờ bình minh hay hoàng hôn khoe sắc như ảnh màu. Chụp chân dung không cần trang điểm lòe loẹt. Và nhiều yếu tố khác nữa.
- Không gây xao lãng ánh mắt. Não bộ con người thường bị thu hút bởi màu sắc sặc sỡ. Bởi vậy khi xem một tấm hình nhiều sắc màu, não sẽ bối rối mà khó tập trung vào nội dung thông điệp của bức ảnh.
- Mảng xám đơn sắc mềm mại khi chuyển giao giữa các thái cực đen và trắng có sự hấp dẫn rất riêng, khác với sự hấp dẫn của sắc màu.
- Đồng điệu giữa mọi vật chất. Mọi thứ trong ảnh đen trắng đều đơn giản như nhau. Do đó để mô tả một chủ thể nào, người chụp cần hết sức tinh tế và khéo léo để làm nổi bật chủ thể, từ đó cuốn hút người xem.
- Gợi cảm xúc. Ảnh đen trắng thường gợi hoài niệm, sâu lắng, như một câu chuyện từ lâu năm kể lại.
ảnh đen trắng
Ảnh monochrome. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Ảnh đơn sắc (monochrome)

Ảnh đơn sắc là một dạng tương tự ảnh đen trắng, nhưng được chuyển tông ám màu: vàng, đỏ, xanh, nâu, cam,... nhằm mục đích tăng cảm xúc cho ảnh. Ví dụ như: hoàng hôn ấm áp, hay đêm đông lạnh lẽo, cam năng động hoạt bát,...

Thế nào là một bức ảnh đen trắng đẹp

Khó có thể định nghĩa thế nào là một bức ảnh đen trắng đẹp. Bởi bản chất ảnh đen trắng là gợi cảm xúc. Mỗi người lại có cách cảm nhận riêng về thông điệp truyền tải.
Tuy nhiên, dựa trên nghiên cứu chung về ảnh đen trắng, chúng ta có thể thấy rằng, những bức ảnh đẹp thương thỏa mãn 2 yếu tố:
- Độ tương phản hợp lý giữa các vùng sáng tối. Có những hoàn cảnh cần tương phản mạnh, cho cảm xúc mãnh liệt. Có những tấm cần tương phản nhẹ nhàng, cho cảm xúc êm đềm.
- Sự chuyển màu giữa các vùng sáng tối kế nhau không quá gắt, mà mềm mại, êm nhẹ, dịu dàng.
Hai đóa hồng. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà

Lưu ý khi chụp ảnh đen trắng

- Chụp ảnh Raw:
Hầu hết máy ảnh đều có sẵn bộ lọc monochrome, trong đó có ảnh đen trắng. Tuy nhiên không phải máy nào cũng sử lý tốt khi convert từ ảnh màu sang đen trắng ngay trong chíp xử lý. Hoặc nhiều khi ta chụp ảnh đen trắng nhưng khi về nhà lại muốn có ảnh màu thì phải làm sao đây. Chụp ảnh Raw là một biện pháp an toàn nhất.
- Chú ý để ISO thấp, tránh noise
Nhiều người cho rằng noise giúp ảnh trông giống ảnh phim ngày xưa. Tuy nhiên thực tế hạt noise là khác với hạt grain của phim. Do đó hãy điều tiết ISO hợp lý để có ảnh chất lượng tốt.
- Thời điểm chụp 
Ai cũng nghĩ rằng chụp cảnh nào tương phản lớn thì hình đen trắng sẽ đẹp. Nhưng sự thật là những ngày trời âm u, ít nắng - cái mà ta gọi là ánh sáng kém chất lượng, thì lại là lúc chụp ảnh đen trắng rất đẹp. Bởi khi này sự chuyển tông giữa đen và trắng trong hình rất mềm mại và bắt mắt. Hãy trải nghiệm điều này nhé!
- Bố cục, hình khối
Luôn quan trọng cho cả ảnh màu và ảnh đen trắng. Tuy nhiên, do không còn màu sắc để thu hút ánh mắt, nên ảnh đen trắng đòi hỏi sự tập trung cao cho bố cục nhằm tạo ra cảm xúc mạnh như: bố cục điểm hội tụ, bố cục tương phản, hướng sáng, hình khối chủ thể,...
ảnh đen trắng
Ảnh đơn sắc. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà





31. Luật cắt cúp trong nhiếp ảnh chân dung

Trong nhiếp ảnh chân dung, không phải lúc nào chúng ta cũng chụp toàn thân, mà đôi khi là bán thân, 1/3 thân hoặc chỉ lấy phần đầu để tập trung khắc họa nét mặt. Như vậy câu hỏi đặt ra là bán thân nên cắt cúp ở vị trí nào của cơ thể, để trông đẹp mắt và tự nhiên nhất. Mời bạn xem hình sau đây:
Đường kẻ xanh là đường được phép cắt, bố cục khung hình.
Đường kẻ đỏ là đường đề nghị không được cắt cúp, nó sẽ gây cảm giác cụt lủn, thiếu tự nhiên.
Hãy nắm kỹ luật cắt cúp này để chụp ảnh chân dung được khoa học đẹp mắt nhé. Ảnh sau đây crop nguyên phần đầu của chủ thể nhưng vẫn giữ nét cân đối tự nhiên do tuân thủ luật cắt cúp trên.

Cắt cúp đúng luật. Ảnh Nguyễn Mạnh Hà.




PHẦN 5 - CÁC LƯU Ý TRONG CHỤP ẢNH

32. Chuẩn bị đồ cho một buổi chụp

Chơi nhiếp ảnh một thời gian, chắc hẳn số lượng thiết bị, phụ kiện sẽ là đáng kể. Do đó khó lòng có thể mang hết theo bên mình được. Thường thì mỗi chuyến đi ta phải lên kế hoạch ý tưởng ngay từ đầu để biết trước thể loại, nội dung chụp của buổi hôm đó sẽ là gì. Từ đó mà chuẩn bị đồ mang theo cho phù hợp.
Sau đây là danh sách tôi thường mang theo mỗi khi có một chuyến đi chụp ảnh ở tỉnh xa hoặc nước ngoài.
Túi đựng camera
1. Một máy chính cắm sẵn một ống zoom, có cảnh đẹp là rút ra bắn ngay, không bỏ lỡ khoảnh khắc.
2. Một máy sơ cua, cũng gắn sẵn một lens zoom hoặc fix normal.
3. Ống tele, chụp chim cò, cảnh ở xa.
4. Ống góc rộng chụp phong cảnh, đời thường.
5. Bộ filter: ND filter để chụp phơi sáng, GND, holder, adapter ring.
6. Sạc các loại cho máy ảnh, 5 cục pin sơ cua đã được sạc đầy.
7. Flash loại nhỏ + trigger. Ít dùng, nhưng đi dạo tối mà không có nó cũng tiếc hùi hụi cảnh đường phố thiếu sáng.
8. Ba thẻ nhớ. Tôi khoái Sandisk hơn các thương hiệu khác.
9. Dây bấm mềm hoặc remote để tự sướng, phơi sáng các kiểu.
10. Đèn pin soi đường nếu đi đêm để chụp Milky Way.
11. Chân máy. Nên mang theo tripod (loại 3 càng). Hoặc chí ít là monopod (loại 1 càng).

Lưu ý khi cho một số đồ dùng khi mang lên máy bay

Các món đồ cứng, sắc, nhọn theo quy định phải để trong hành lý ký gửi như: chân máy, đèn pin kim loại. Do đó cần lưu ý sắp xếp trước từ ở nhà, tránh đến sân bay mới xếp lại gây lúng túng. Có trường hợp Security sân bay dễ dãi cũng cho phép để chân máy nhỏ trong hành lý xách tay. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng vậy. Để yên tâm, nên chuẩn bị mọi thứ đúng từ ở nhà.

Sơ bộ là thế. Có thể mang theo một số món đồ chơi khác nữa tùy hứng. Trong trường hợp đi chụp dạo trong thành phố tôi mang đơn giản hơn nhiều. Một chiếc túi mini đựng 2-3 lens + 1 body là đủ xài.
Bạn còn món đồ chơi nào nữa không? Liệt kê trong comment bên dưới chia sẻ nào!
Túi nhỏ tiện lợi đi lại trong thành phố




33. Các lưu ý cần tránh khi đi chụp hình

Nếu bạn trở lại nơi quen thuộc để chụp thì không có chi phải bàn nhiều. Nhưng khi đến một nơi mới mẻ, lạ lẫm thì hết sức thận trọng các vấn đề sau đây:
- Tìm hiểu trước về nơi mình sắp đến càng nhiều càng tốt. Cả về đường đi, văn hóa, con người, điều kiện sống và đặc biệt là luật pháp! Mỗi quốc gia có những quy định và văn hóa khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam ta chụp hình người đi đường là hết sức bình thường, còn ở Mỹ bạn mà chụp xoạch xoạch lưu hình người ta là dễ có nguy cơ bị phản ứng đấy!
- Tôn trọng môi trường tự nhiên, giữ gìn cảnh quan nơi mình chụp để lần sau còn có cơ hội quay lại mọi thứ vẫn vẹn nguyên, hoặc chí ít thì cũng để mọi thứ đẹp đẽ cho người đến sau. Tránh hành vi xả rác, lưu bút trên tường, đá, vách hay bất cứ hành vi xâm phạm nào.
- Một số nơi nhạy cảm muốn chụp phải hỏi kinh nghiệm người đi trước, hoặc xin phép người chủ/quản lý đàng hoàng. Nếu không, nặng thì bị tịch thu máy, nhẹ thì bị xóa hình hoặc mất thẻ nhớ. Tôi cũng đã từng bị thu thẻ nhớ bởi chụp hình khu vực xảy ra tranh chấp. Uổng cái là ảnh chụp của ngày hôm trước chưa xổ ra máy tính mà cũng bị mất hết theo thẻ luôn.
- Chụp đường phố thì mang gọn nhẹ thôi. Máy compact hay mirrorless càng tốt, để tránh gây sự chú ý khiến đối tượng né tránh hoặc không thoải mái, hình chụp ra không được "thật". Muốn chụp ai thì xin phép, được đồng ý rồi thì tha hồ chụp.
Nói thế thôi chứ kinh nghiệm của tôi là, xin chụp rồi thì thường người ta không còn tự nhiên như trước nữa. Do đó, mình chụp một vài tấm trước, xong thấy người ta liếc nhìn thì tươi cười bước tới xin cho chụp. Được đồng ý thì quá tốt, tiếp tục chụp, vừa chụp vừa trò chuyện giao lưu. Còn không thì ít ra cũng đã có được vài tấm ban đầu (mà thường thì mấy tấm này là đẹp nhất!). Gặp phải người khó đòi xóa hình thì chịu thôi. Quyền riêng tư của người ta mà.



TỔNG KẾT

Toàn bộ những gì cơ bản nhất về nhiếp ảnh, tôi cô đọng trong 33 nội dung trình bày ở trên. Tại sao tôi lại đặt cái tựa đề "33 KIẾN THỨC CƠ BẢN MÀ ĐỈNH CAO". Đó là vì mọi điều muốn tiến xa tiến vững đều phải dựa trên nền tảng cơ bản này cả. Không có nhiếp ảnh gia "đỉnh cao" nào mà lơ mơ về kiến thức cơ bản hết. Chúng ta cũng vậy! Từ 33 điều này thôi, bạn đào sâu, tìm tòi, giao lưu, gặp gỡ, học hỏi để mà phát triển tư duy sáng tạo cũng như kỹ năng sử dụng các thiết bị nhiếp ảnh, thì tôi đảm bảo chắc chắn rằng, bạn sẽ rất phát triển trong sự nghiệp và niềm đam mê nhiếp ảnh của mình.
Chúc bạn hạnh phúc, vui vẻ và thành công!
Thay mặt Ban biên tập Wiki Nhiếp ảnh.
Tác giả Nguyễn Mạnh Hà.


Lời cám ơn

Xin chân thành gửi lời cám ơn đến những người Thầy, người bạn, các thành viên cộng đồng Nhiếp ảnh uy tín trong và ngoài nước đã chia sẻ, góp ý, phê bình và nhận xét về nội dung Lý thuyết Nhiếp ảnh này.
Xin ghi nhận và cập nhật để mọi nội dung luôn mới và phù hợp với sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng và Nhiếp ảnh thế giới nói chung. Mong rằng niềm đam mê của chúng ta sẽ mãi được lan tỏa và nhân rộng!

Nguyễn Mạnh Hà.
Tháng 3/2018.



Nguồn tham khảo:
- Wikipedia.com
- DigitalCameraWorld.com
- Vuanhiepanh.com
- GenK.vn
- Cùng các ý kiến chuyên môn của các Nhiếp ảnh gia, Nhà đào tạo, những người đam mê và giàu kinh nghiệm thực tế trong bộ môn Nhiếp ảnh.

Wiki Việt Nam

Wiki Nhiếp ảnh

11 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cám ơn Michael. Chúc bạn luôn thành công với đam mê nhé!

      Xóa
  2. quá hay.quá đầy đủ ,cho người mới

    Trả lờiXóa
  3. quá hay.quá đầy đủ ,cho người mới

    Trả lờiXóa
  4. Em muốn nâng cao hơn về ánh sáng để chụp chân dung, chính xác là ảnh cưới thì ad có thể làm thêm 1 bài hoặc giới thiệu cho e có thể tham khảo ở đâu không ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Wiki sẽ sớm có nội dung chia sẻ về chủ đề này. Bạn đón đọc nhé.
      Cám ơn bạn đã ủng hộ trong thời gian qua.

      Xóa