Kiến thức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Phong cảnh và Tự nhiên

Nhiếp ảnh đời thường

Tin tức Nhiếp ảnh

Nhiếp ảnh Đen trắng

SÀI GÒN QUA NHỮNG GIỌT SƯƠNG | Nguyễn Mạnh Hà

Đối với tôi, Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình. Gắn bó đã từ lâu lắm, nên nhiều nẻo đường, nhiều địa điểm đã trở thành một phần cuộc sống trong tôi.
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 1
Chợ Bến Thành

Hôm nay, một ngày chủ nhật thong thả. Tôi quyết định dạo một vòng, chụp lại những nét đẹp thân quen, những địa điểm được coi là biểu tượng của thành phố nơi tôi sống. Đó cũng là những cảnh đẹp Sài Gòn mà tôi chụp hình đã bao lần. Làm gì đó cho mới mẻ nhỉ. Tôi nảy ra ý định, tại sao mình không chụp ảnh phản chiếu qua "giọt sương" nhỉ. Gọi là giọt sương, nhưng kỳ thực là một quả cầu pha lê. Khi ta chụp qua quả cầu này, hình ảnh chủ thể sẽ lộn ngược. Tôi gọi đây là bộ ảnh "Sài Gòn qua những giọt sương". Khá thú vị, nhưng cũng cần đến một số kỹ thuật tỉ mỉ đấy.

Dạo một vòng Sài Gòn đã nhé

Tôi qua thăm lần lượt các địa danh quen thuộc: Chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Nhà Thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Tòa nhà Bitexco, Khu đô thị Vinhome để lưu lại các hình ảnh này.

cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 20
Bưu điện Thành phố
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 2
Dinh độc lập
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 3
Nhà thờ Đức Bà - mặt sau
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 4
Nhà thờ Đức Bà - mặt trước
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 5
Nhà thờ Đức Bà - mặt trước
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 6
Nhà thờ Đức Bà - mặt xéo

cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 8
Tòa nhà Bitexco
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 15
Khu đô thị Vinhome bên bờ sông Sài Gòn

Cách thực hiện bộ hình Sài gòn qua những giọt sương

Chuẩn bị:

- Máy ảnh, tất nhiên rồi! Fullframe hay crop cũng ổn hết! 
- Ống kính, loại normal. Tức tiêu cự trong phạm vi 35mm - 50mm là đẹp nhất bởi khoảng lấy nét và khung hình tương đương mắt nhìn. Tiêu cự này đang tính trên fullframe, các bạn chơi crop tự quy đổi nhé. Nếu chưa rành, mời bạn xem bài viết: TIÊU CỰ VÀ HIỆU ỨNG CỦA TIÊU CỰ.
- Chân máy. Không phải dành cho body mà dành cho nhân vật chính của chúng ta, quả cầu pha lê. Do đó không cần chân lớn, mà càng gọn nhẹ càng tốt để tiện di chuyển trong thành phố. Ở đây tôi xài Benro IS05.
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 10
Chân máy, đế gỗ, quả cầu pha lê 8cm
- Quả cầu pha lê, loại đường kính 8cm hoặc 10cm. Không cần quá lớn, nặng và khó xoay sở. Chú ý xem kỹ chiết quang của quả cầu, càng trong càng tốt. Những quả bị bọt khí, vết xước hay bề mặt gợn sóng thì chụp hình không đẹp được.
- Đế đỡ quả cầu, loại này tự chế, miễn sao giữ cho quả cầu đứng yên. Trong hình tôi dùng loại đế gỗ để ly, có phần lõm giữa nên cố định quả cầu tốt.
- Các loại lá. Càng đa dạng màu sắc càng đẹp. Lá càng to, gân càng lớn, lên hình càng ấn tượng.
cảnh đẹp Sài Gòn chụp hình 11
Các loại lá mà tôi lượm quanh thành phố, có gân lên rất đẹp

Thực hiện chụp:

- Lựa vị trí đẹp, tốt nhất là đứng đối diện, nằm trên trục đối xứng của chủ thể.
- Máy để Mode A, ưu tiên khẩu độ khép sâu từ f5.6 đến f13. Tôi chọn f9 là đẹp nhất. Không quá xóa phông mà lại đủ nét cho toàn bộ hình bên trong quả cầu.
- Định dạng ảnh chụp Raw để hậu kỳ được linh động hơn.
- Đặt lá lên đế đỡ rồi đặt quả cầu lên.
- Bố cục sao cho khi lộn ngược hình lại trông giống như giọt sương. Chú ý bố cục 1/3. Chú ý thể hiện các đường gân của lá, nó thu hút mắt lắm đấy!
- Lấy nét điểm, bắt chính xác vào phần chủ thể trong quả cầu.
- Rồi xong, bấm chụp thoải mái nhé.

Hậu kỳ ảnh chụp:

- Lộn ngược hình 180 độ.
- Tăng sharpen phần bên trong giọt sương.
- Thêm clarity và vibrance cho ảnh thêm trong trẻo.
- Lấy nét Detail, amount 44, masking 30.

Lưu ý khi chụp:

- Lens Canon thường lấy nét không được tốt lắm khi chụp xuyên kính, xuyên pha lê (trừ lens L). Bạn nên lấy nét tay trong trường hợp này. Sử dụng chế độ Focus-Magnify để phóng lớn điểm lấy nét giúp bắt nét bằng tay chính xác. Các lens khác như Sigma, Carl Zeiss thì Auto Focus tốt hơn.
- Chụp nhiều tấm ở nhiều vị trí khác nhau, về lựa lại tấm bố cục ưng ý nhất.
- Bố cục sao cho trong ảnh có background là chủ thể thực tế, để có sự hòa quyện hình và thực, đồng thời người xem có thể so sánh tương quan.
- Chú ý độ ngang bằng của máy ảnh. Do hình dùng sau này là hình lộn ngược nên đôi khi không giữ ngang bằng máy sẽ dẫn đến chủ thể bị nghiêng, hư hình. Do đó hãy bật cân bằng trên màn hình lên để theo dõi trạng thái máy.
Hãy sáng tạo theo cách của bạn, thể loại này cần chất riêng từ bạn đấy! Chúc bạn vui vẻ và nhiều đam mê chụp hình.

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hà.
Sài Gòn 4/2018.

Wiki Việt Nam

Wiki Nhiếp ảnh

2 nhận xét:

  1. Bài viết thật tuyệt, sẽ tập tành học hỏi theo bác !!!!

    Trả lờiXóa